Từ cuối năm 2013 đến nay, trên Internet xuất hiện những hiện tượng văn nghệ, báo chí không bình thường bởi nó được xuất phát từ những tư duy, nhận thức lệch lạc, xa rời hiện thực cuộc sống; đây chỉ là những chiếc "bong bóng" mỏng manh, sặc sỡ tung lên nhằm gây hỏa mù dư luận, "lập lờ đánh lận con đen"...
Từ cuối năm 2013 đến nay, trên Internet xuất hiện những hiện tượng văn nghệ, báo chí không bình thường bởi nó được xuất phát từ những tư duy, nhận thức lệch lạc, xa rời hiện thực cuộc sống; đây chỉ là những chiếc “bong bóng” mỏng manh, sặc sỡ tung lên nhằm gây hỏa mù dư luận, “lập lờ đánh lận con đen”. Điều này khiến công luận đặt câu hỏi phải chăng đây là sự hoang tưởng xuất phát từ động cơ, tham vọng của những nhóm người “ngủ trên giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con”…? Đó là hiện tượng ồn ào tuyên bố thành lập “Văn đoàn độc lập Việt Nam”, rồi ngày 4/7/2014 lại rùm beng trên mạng vận động thành lập “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.
Lý do người ta đưa ra để thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam thực là khiên cưỡng, áp đặt và cũng là sự xúc phạm những người cầm bút: Văn học Việt Nam đang đứng trước thực trạng suy thoái nghiêm trọng, nguy cơ do văn nghệ sĩ vô cảm trước thời cuộc, sự thiếu độc lập tư duy nói chung, tư duy nghệ thuật nói riêng, thiếu tự do trong công bố tác phẩm. Còn nguyên cớ vận động đòi thành lập “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” thì trong “Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” trên mạng Internet đã bộc lộ ý đồ trở thành tổ chức xã hội dân sự nằm trong xã hội dân sự Việt Nam, được thành lập vì một nền Việt Nam tiến bộ, dân chủ, đa nguyên, văn minh và giàu mạnh…
Một vấn đề không thể phủ nhận là qua gần 30 năm đổi mới sâu sắc, toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần tích cực nâng cao vị thế nước nhà trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Làm nên tầm vóc dân tộc hiện nay, có một phần đóng góp không nhỏ của sự nghiệp phát triển văn hóa - văn nghệ, báo chí đang từng ngày đổi mới, đi vào đời sống xã hội… Có lẽ đối với nhóm người cố tình làm ngơ hay giả câm, giả điếc trước mạch sống chủ đạo của đời sống đất nước đang chuyển mình hướng về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, tiến bộ và hội nhập, người viết bài này đành phải dài dòng nêu vài nét về mối quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nền văn học - nghệ thuật, báo chí nước nhà.
Trước hết, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ban hành tháng 6-2014 vừa qua đã khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cho thấy sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân đuợc nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ… Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc… Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã có chặng đường phát triển mới. Đó là: Xu hướng trở về với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, múa, mỹ thuật, kịch bản truyền hình… Đã xuất hiện một số lượng lớn các tác phẩm về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Văn học viết về hai cuộc chiến tranh có bước tiến mới là sự đồ sộ về tư liệu, vốn sống, sự soi chiếu từ nhiều chiều các bình diện của chiến tranh, có thể đi sâu vào những mất mát đau thương vô hạn mà không gây cảm xúc bi lụy, ngậm ngùi, ngược lại, có tác dụng đề cao chủ nghĩa anh hùng và tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân. Sau một thời kỳ bỡ ngỡ ban đầu, văn học nghệ thuật đã có bước tiếp cận mới về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể nói, đạo đức xã hội là chủ đề được văn nghệ sĩ đầu tư tài năng, tâm huyết nhất hiện nay, có nhiều tác phẩm viết về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị giáo dục to lớn và có tiếng vang trong xã hội. Năm 2013, riêng Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho 4 tác phẩm, 4 tác giả được tuyển chọn từ 190 tác phẩm dự thi (văn xuôi 82, thơ 72, lý luận phê bình 18, văn học dịch 11). Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” các năm 2011 – 2013 do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động đã có 300 tác phẩm, công trình và tập thể, cá nhân tham gia. Qua tuyển chọn, Ban chỉ đạo quyết định trao giải thưởng 97 tác phẩm, chương trình, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản (gồm 9 giải A, 27 B, 29 C và 32 khuyến khích) cùng 39 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (4 giải A, 18 B, 12 C, 5 khuyến khích).
Phát huy thành quả đạt được, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đề ra mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính vì vậy, Đảng ta đề ra yêu cầu phải tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng… Phát triển văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước…
Về vai trò và vị thế của báo chí Việt Nam, nhân Lễ Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh - UVBCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò, những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các thế hệ nhà báo đã tích cực tham gia và có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí đi đầu trong việc tuyên truyền, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phần thưởng cao quý nhất – Huân chương Sao Vàng mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng lực lượng báo chí cách mạng nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí nước nhà… Đồng thời, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh: Những năm qua, báo chí nước ta tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của một nền báo chí cách mạng, tuyên truyền, cổ vũ nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại; giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đối với con đường đi lên, phát triển của đất nước…
(còn nữa)
ĐAN THANH