Nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho Tây Nguyên phát triển

02:07, 30/07/2014

(LĐ online) - Hội nghị Thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên do Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức đã diễn ra tại Tp.Đà Lạt sáng 30/7, với rất nhiều cơ chế, chính sách của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có cơ hội thúc đẩy nhanh sự phát triển. 

(LĐ online) - Hội nghị Thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên do Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức đã diễn ra tại Tp.Đà Lạt sáng 30/7, với rất nhiều cơ chế, chính sách của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có cơ hội thúc đẩy nhanh sự phát triển. 
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
 
Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.
 
Công văn số 588/TTg-ĐP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20-4-2009 về xử lý cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi sáu tỉnh giáp Tây Nguyên sau 5 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 3 năm từ 2009 - 2011 đã có 21/29 huyện nhận được tổng số tiền là 366 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đặc thù hỗ trợ mục tiêu theo Công văn 588/TTg-ĐP. Số kinh phí trên đã được đầu tư vào 83 đề án, tập trung vào 4 nhóm chủ yếu, gồm: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (trụ sở làm việc của xã, đường giao thông nông thôn, điện, nước sạch, thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng …); hỗ trợ cấp điện cho các thôn buôn, kinh phí lắp đặt công tơ, xây dựng mạng truyền thanh cơ sở; mua nông cụ, máy chế biến sản phẩm nông nghiệp hỗ trợ người nghèo; thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cán bộ y tế từ miền xuôi lên công tác lâu dài tại các huyện miền núi. Theo đánh giá, dù nguồn kinh phí không lớn nhưng qua đó góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ thêm nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập và hạn chế trong việc triển khai và thực hiện Công văn 588/TTg-ĐP của Thủ tướng Chính phủ ở 4 vấn đề chủ yếu. 
 
Đầu tiên, việc hướng dẫn triển khai thực hiện vẫn chưa sâu sát, hầu hết các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhiều đề án lập và phê duyệt chậm; một số huyện biết có chính sách đặc thù nhưng không tiếp cận được, làm mất đi nguồn vốn cần thiết cho việc đầu tư vào một số lĩnh vực thiết yếu mà các địa phương đang rất cần, nhất là trong đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ ở các buôn làng vùng sâu, vùng DTTS. Hiện tại, vẫn còn 8 huyện của 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Phước chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ với nhiều lý do. Cũng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mặc dù Công văn 588/TTg-ĐP cho phép các địa phương lập đề án phát triển thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ sản xuất, cũng như đề án ổn định phát triển sản xuất, đời sống cho các hộ tái định cư khi di dời xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện nhưng hầu như chưa có nơi nào triển khai được các đề án này.
 
Nhiều khu tái định cư hiện nay ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng.
 
Qua khảo sát thực tế cho thấy, cách thức xây dựng và phê duyệt đề án còn lúng túng và chưa thống nhất, tiến hành theo nhiều hướng khác nhau, nên đến thời điểm này vẫn có 27 đề án đang nằm ở tình trạng “treo”.
 
Thêm nữa, cũng phải thừa nhận, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, nên việc triển khai đề án tại các địa phương chưa đem lại kết quả như mong muốn. Việc cân đối hỗ trợ mục tiêu cho các huyện miền núi phân bổ không đồng đều, cách thức quản lý và sử dụng cũng không có sự thống nhất, dẫn tới tình trạng nhiều địa phương còn không biết đâu là nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu theo Công văn 588/TTg-ĐP.
 
Một thực tế đáng quan tâm hơn, đó là việc thực hiện Công văn 588/TTg-ĐP đến năm 2011, hầu như các tỉnh đều ngưng việc lập dự án và triển khai kế hoạch cho những năm tiếp theo.
 
Đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên trao đổi cùng đồng chí Nguyễn Xuân Tiến -UVTW Đảng,Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong giờ giải lao
Đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên (bìa phải) trao đổi cùng đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng,
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
 
Đối với việc thực hiện Đề án Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 -2020 theo chủ trương của Bộ Chính trị và Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16-1-2014 đã ban hành của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, để đến năm 2020 có trên 85% cán bộ chuyên trách và trên 95% công chức cấp xã vùng Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên; nâng cao tỷ lệ cán bộ chuyên trách đạt chuẩn về lý luận chính trị và bảo đảm cán bộ người Kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số phải biết một thứ tiếng dân tộc bản địa; trên 80% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, kiến thức quốc phòng, an ninh.
 
Việc định hướng ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số trong các ngành nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa … và bố trí việc làm cho con em đồng bào DTTS ở Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp ranh sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cũng là vấn đề được chú trọng quan tâm theo định hướng của đề án tại giai đoạn này.
 
Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ của toàn vùng Tây Nguyên là: “Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước; có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, nâng cao đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội”, theo đó việc thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên sẽ được tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.   
  
Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách theo hướng: Hỗ trợ các địa phương phát huy lợi thế về đất đai, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa; khuyến khích hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện chủ trương liên kết vùng, trọng tâm là liên kết sử dụng tài nguyên rừng, nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư và liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ với sản xuất, nâng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm nông, lâm, công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên.
 
Đại diện Vietcombank và VietinBank chi nhánh Lâm Đồng triển khai chương trình an sinh xã hội về y tế và giáo dục cho tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk
Đại diện Vietcombank và VietinBank chi nhánh Lâm Đồng triển khai chương trình an sinh xã hội
về y tế và giáo dục cho tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk
 
Hai đề xuất của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đối với Chính phủ thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đó là cho phép các huyện miền núi giáp Tây Nguyên được áp dụng tất cả những cơ chế, chính sách đặc thù như ở Tây Nguyên (kể cả những cơ chế, chính sách hiện hành cũng như sắp tới sẽ ban hành). Và đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý quyết liệt việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, phục vụ tốt cho việc chống hạn và cắt lũ cho vùng hạ du; trồng rừng bù lại diện tích bị mất do xây dựng thủy điện, cũng như xử lý một số vấn đề bức xúc về môi trường; tiếp tục giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định cư, định canh nhằm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân ở các vùng dự án.
 
Tuấn Linh - Văn Báu