Nội dung và kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

05:07, 18/07/2014

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII họp từ ngày 20/5/2014 đến ngày 24/6/2014 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII họp từ ngày 20/5/2014 đến ngày 24/6/2014 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
 
1. Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết, gồm: Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật đầu tư công; Luật hải quan (sửa đổi); Luật phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật xây dựng (sửa đổi); Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; Nghị quyết về việc gia nhập Công uớc về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay. Quốc hội đã cho ý kiến về 16 dự án luật khác để làm cơ sở cho việc xem xét thông qua tại kỳ họp sau, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật nhà ở (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
 
2. Bên cạnh việc xem xét các báo cáo theo quy định của pháp luật như các báo cáo công tác từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các Báo cáo về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Báo cáo về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Báo cáo về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và Báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, Quốc hội cũng đã xem xét các báo cáo chuyên đề khác, gồm Báo cáo về việc đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Liên nghị viện thế giới (IPU-132) (đầu năm 2015); Báo cáo về tình hình tham gia của Việt Nam trong việc hình thành Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2015; Báo cáo về việc triển khai, thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
 
Cùng với việc xem xét một số báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012”. Qua giám sát, Quốc hội tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của chính sách, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Quốc hội thống nhất nhận định, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đã đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý và điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế.
 
Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu tiếp tục duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 4%/năm, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia của người nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội; chú trọng giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các địa phương và nhân dân trong triển khai, quản lý và giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo, đảm bảo đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Theo đó, cùng với những nội dung giám sát tối cao theo thông lệ, trong năm 2015, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: (1) “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tại kỳ họp thứ 9 và (2) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014” tại kỳ họp thứ 10.
 
3. Tại kỳ họp này, có 189 văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm và đảm bảo sự hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Với thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng Thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
 
Đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quốc hội tập trung chất vấn về các nhóm vấn đề: nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; cân đối thu-chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân; tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.
 
Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Quốc hội tập trung chất vấn về các nhóm vấn đề: chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.
 
Đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Quốc hội tập trung chất vấn về các nhóm vấn đề: tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc thẩm định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay; những hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự; giải pháp khắc phục.
 
Đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Quốc hội tập trung chất vấn về các nhóm vấn đề: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của Thanh tra các cấp trong thời gian qua; công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra; công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; công tác phối hợp, tổng hợp, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời các chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội về công tác chỉ đạo, điều hành và các giải pháp kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.
 
Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau. Ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tập trung giải quyết, trả lời 2.268 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
 
4. Quốc hội đã xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; phân tích, đánh giá những tác động bất lợi của diễn biến phức tạp, khó lường ở biển Đông đến việc thực hiện các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu và tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong nước để từ đó đề ra các phương án và giải pháp thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
 
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 là 1.038.451 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013). Tại các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ những mặt tích cực, hạn chế, sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách; phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo kỷ luật ngân sách, tạo chuyển biến tích cực cho các năm tiếp theo.
 
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương 2013. Trong đó, sử dụng 44.673,7 tỷ đồng để chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội, thưởng thu vượt dự toán cho 5 tỉnh, hỗ trợ đầu tư cho các địa phương. Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay Ngân hàng Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chi cho Chương trình 135, bổ sung một số khoản chi an ninh cấp bách... Quốc hội giao Chính phủ xem xét quyết định phân bổ cụ thể và báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện tại kỳ họp thứ 8.
 
5. Quốc hội đã ra Thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước đồng bào ta và dư luận quốc tế và gửi công hàm tới Quốc hội và cộng đồng các nghị sĩ các nước. Tuyên bố gồm 4 điểm sau:
 
(1) Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
 
(2) Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
 
(3) Quốc hội tin tưỏng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
 
(4) Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.
 
Ban Tuyên giáo Trung ương