Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc với tỉnh Lâm Đồng về 25 năm thực hiện đổi mới chính sách dân tộc

04:08, 03/08/2014

Thực hiện đổi mới chính sách dân tộc, 25 năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển KT-XH của vùng đồng bào DTTS Lâm Đồng…

Sáng ngày 1/8/2014, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do Phó trưởng Ban H’Ngăm Niê K’đăm làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả 25 năm thực hiện đổi mới chính sách dân tộc. Về phía Lâm Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm S, cùng lãnh đạo Ban Dân tộc, các Sở: Y tế, Giáo dục, LĐ-TBXH, NN-PTNT, TN-MT, Ngân hàng CSXH cùng tham dự buổi làm việc. 
 
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - H’Ngăm Niê K’đăm phát biểu tại buổi làm việc
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - H’Ngăm Niê K’đăm phát biểu tại buổi làm việc
 
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến cuối năm 2013, dân số Lâm Đồng có 1.250.977 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS có 300.369 người, chiếm tỷ lệ 24%. Nhìn chung, đa số đồng bào DTTS có trình độ dân trí thấp, sống chủ yếu bằng nghề nông, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng cơ sở vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ, điều kiện phát triển KT-XH gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, thực hiện đổi mới chính sách dân tộc, 25 năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển KT-XH của vùng đồng bào DTTS Lâm Đồng; cụ thể: Từ năm 1990-2000, tổng số vốn đầu tư lồng ghép các chương trình, dự án vào vùng DTTS của tỉnh lên đến 393,2 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào 47 xã ĐBKK để xây dựng kết cấu hạ tầng, trung tâm cụm xã, quy hoạch, bố trí lại dân cư, đào tạo cán bộ, ổn định sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn từ năm 2001-2013, thông qua chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước dành riêng cho vùng Tây Nguyên, các chương trình, chính sách do các bộ, ngành quản lý đầu tư như 132, 134, 135, 167, 168, ĐC-ĐC… tổng kinh phí đầu tư vào vùng DTTS của tỉnh lên đến 1.722 tỷ đồng. Ngoài ra, 25 năm qua, Lâm Đồng còn chủ động thực hiện nhiều chương trình, chính sách đầu tư năng động, sáng tạo vào vùng đồng bào DTTS hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động đã được các cấp, các ngành của tỉnh thường xuyên tổ chức, nhằm nâng cao trình độ dân trí, phương thức sản xuất và tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đến nay, diện mạo vùng đồng bào DTTS của Lâm Đồng đã khởi sắc, đi lên; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; công tác an sinh xã hội được quan tâm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 45-50% năm 1988 xuống còn 10,76% năm 2013 (tương ứng 6.792 hộ); ANCT-TTATXH luôn được đảm bảo. 
 
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, việc thực hiện đổi mới chính sách dân tộc tại Lâm Đồng trong 25 năm qua vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là: Quy mô kinh tế vùng đồng bào DTTS còn nhỏ bé, thu nhập bình quân đầu người chưa cao; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm chưa tương xứng với đầu tư, lao động thiếu việc làm còn ở mức cao; nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhưng thiếu tập trung, dàn trải, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, đặc biệt là lĩnh vực thủy lợi; tình trạng thiếu đất sản xuất, dẫn đến đồng bào DTTS lấn chiếm đất rừng còn xảy ra; trình độ canh tác, ý thức bảo quản, khai thác các công trình do Nhà nước đầu tư xây dựng còn thấp, một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ DTTS còn nhiều bất cập, số cán bộ DTTS còn ít, trình độ hạn chế… Trên cơ sở những hạn chế vừa nêu, tỉnh Lâm Đồng đề ra 6 giải pháp khắc phục, sửa chữa; đồng thời kiến nghị với Chính phủ, UBDT và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành những chính sách mới phù hợp với tình hình đặc điểm của các vùng đồng bào DTTS để việc thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn.
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - H’Ngăm Niê K’đăm đánh giá cao những kết quả mà Lâm Đồng đạt được trong 25 năm thực hiện đổi mới chính sách dân tộc. Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: “Lâm Đồng là đơn vị dẫn đầu 5 tỉnh Tây Nguyên về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Qua đi thực tế tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, đoàn chúng tôi thấy Lâm Đồng có nhiều chính sách tốt, nhiều cách làm hay trong đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con DTTS tại địa phương có sự phát triển mạnh mẽ mà khó có nơi nào ở các tỉnh còn lại của khu vực Tây Nguyên có được”; đồng thời, cũng ghi nhận và hứa sẽ báo cáo với UBDT Chính phủ, Quốc hội về những kiến nghị mà tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất.
 
Hoàng Đại Huynh