Cách mạng Tháng Tám và bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc

08:08, 27/08/2014

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta được hình thành, phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm; đã trở thành sức mạnh vĩ đại và là một trong những giá trị tiêu biểu của truyền thống yêu nước Việt Nam. 

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta được hình thành, phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm; đã trở thành sức mạnh vĩ đại và là một trong những giá trị tiêu biểu của truyền thống yêu nước Việt Nam. 
 
Cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giành chính quyền diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng thành công lớn nhất, triệt để nhất trong lịch sử nhân loại. Đánh giá về Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân điển hình ở một nước thuộc địa nửa phong kiến do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội… Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến”. 
 
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cực kỳ quý báu, trong đó có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta được hình thành, phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm. Đoàn kết đã trở thành sức mạnh vĩ đại và là một trong những giá trị tiêu biểu của truyền thống yêu nước Việt Nam. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xem đây là một mục tiêu trọng yếu của Đảng, là ngọn cờ để tập hợp lực lượng. Bởi lẽ, Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, đa tín ngưỡng - tôn giáo, có nền văn hóa đa dạng, phong phú; do đó cũng tiềm ẩn nguy cơ phân biệt, chia rẽ, mất đoàn kết nếu không có một chiến lược đúng đắn. Thực tế lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, để có được đại đoàn kết dân tộc như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và chỉ khi nào khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới có cơ hội phát huy cao độ, đất nước mới trở nên ổn định và phát triển mạnh mẽ, nhân dân trên dưới một lòng, đồng sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “… Sử ta dạy cho ta bài học khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập nước ta được giữ vững, khi nào dân ta không đoàn kết thì độc lập nước ta có nguy cơ bị xâm phạm”. Hiểu rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam nên thực dân Pháp đã áp dụng chính sách chia để trị nhằm phá vỡ khối đoàn kết dân tộc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn đã tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sự đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trải qua cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, cao trào cách mạng 1936 - 1939, càng góp phần củng cố khối đại đoàn kết thêm một bước, tạo điều kiện cho các giai tầng trong cả nước cùng vùng lên giành chính quyền khi thời cơ chín muồi. 
 
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, tình hình trong nước và thế giới chuyển biến hết sức mau lẹ, tháng 11-1939, Đảng ta đã kịp thời điều chỉnh đường lối chiến lược và sách lược cho phù hợp với tình hình. Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (từ 10 đến 19/5/1941) đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng. Hội nghị khẳng định: “… Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, do vậy “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia dân tộc”. Trong “Kính cáo đồng bào” 1941, Hồ Chí Minh đã viết “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”. Để phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần dân tộc, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (Việt Minh). Trong tuyên ngôn của mình, Việt Minh tuyên bố: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu đánh đuổi Pháp - Nhật giành độc lập cho xứ sở”. Sự ra đời của Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng nhằm mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc. 
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình phức tạp, mau lẹ của thời cuộc, những bất đồng, khác biệt cố hữu của dân tộc được thực dân Pháp - phát xít Nhật lợi dụng, khoét sâu thêm. Trong lực lượng yêu nước đông đảo, không ít người, bộ phận, tổ chức bị lung lạc, lôi kéo, dẫn đến sự chia rẽ, phân biệt, thậm chí bài xích lẫn nhau làm ảnh hưởng đến sức mạnh của đại đoàn kết trước thời cơ tổng khởi nghĩa đang đến gần. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có thư gửi các cán bộ, đảng viên ở Trung kỳ và Nam kỳ. Trong thư gửi Trung kỳ, đồng chí Trường Chinh chỉ thị: “Phải kíp chạy lại dưới lá cờ chói lọi của Đảng… không thể biệt phái, chia rẽ! không thể do dự, hoài nghi!”; đối với Nam kỳ, đồng chí chỉ rõ: “Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi”.
 
Khi Nhật hoàng chính thức đầu hàng đồng minh, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 16/8, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc tại Tân Trào, tượng trưng cho khối đại đoàn kết toàn dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn dân, thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Nhờ tập hợp, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của toàn dân nên chỉ trong vòng 15 ngày, Cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân, đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
69 năm đã trôi qua, Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện kỳ diệu trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Sự kỳ diệu đó là kết quả của nhiều yếu tố tạo nên, trong đó việc Đảng ta nhanh chóng chuyển hướng chiến lược, sách lược cách mạng; giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt lợi ích dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc lên trên hết, trước hết và thành lập mặt trận Việt Minh một cách kịp thời, nên đã tập hợp, phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công. 
 
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước hiện nay, bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám 1945 lại càng có ý nghĩa. Những thành tựu đạt được trong gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã có được thế và lực mới, quan hệ và uy tín trên thế giới không ngừng được nâng cao. Đồng thời, chúng ta cũng đang phải đương đầu với những thách thức mới, sự chống phá của các thế lực ngày càng quyết liệt và tinh vi hơn; đặc biệt, chúng lợi dụng những khó khăn, hạn chế nội tại tình hình kinh tế - xã hội của nước ta để xuyên tạc, bóp méo sự thật, tạo sự nghi ngờ, gây mâu thuẫn nội bộ, làm suy giảm lòng tin trong nhân dân… nhằm mục đích phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu sức mạnh của đất nước ta. Để chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù, chúng ta phải khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; vấn đề lợi ích nhóm… là những mầm mống của sự phân hoá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 
 
Kế thừa và phát huy bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, không ngừng nâng cao cảnh giác; hết sức bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin, luận điệu của kẻ thù; tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân… cùng nhau hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là mẫu số chung để tập hợp mọi người con đất Việt ở trong nước cũng như ngoài nước.
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG