Di chúc của Bác Hồ sống mãi với thời gian

04:08, 24/08/2014

Bốn mươi lăm năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng, để lại bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ với tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa.

Bốn mươi lăm năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng, để lại bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ với tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa.
 
Di chúc của Bác viết vào thời điểm bản lề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi. Mở đầu Di chúc, Bác đưa ra lời dự báo có tính khẳng định, như một tất yếu lịch sử: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
 
Trước lúc đi xa, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Và điều mong muốn cuối cùng của Bác: “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Người truyền niềm tin đó cho nhân dân qua câu thơ:
 
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
 
Trong Di chúc, nói về Đảng là lời dặn đầu tiên của Bác. Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Người tâm huyết căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
 
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Bác Hồ yêu cầu cần phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Người yêu cầu trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
 
Nói đến giáo dục, rèn luyện đảng viên, Bác Hồ nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi trở thành đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng cầm quyền có sứ mạng lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
 
Bác Hồ đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Nhắn nhủ Đảng phải chăm lo giáo dục và đào tạo thanh niên, Bác viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. 
 
Với các tầng lớp nhân dân, Bác căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.
 
45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân và toàn quân ta dốc lòng, dốc sức phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Mùa xuân năm 1975, gần 6 năm sau ngày Bác đi xa, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời chuyển đất, chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Qua các kỳ đại hội, từ Đại hội IV (1976) đến Đại hội XI (2011), Đảng ta không ngừng tìm tòi, sáng tạo, khai thác con đường đi lên nhằm xây dựng đất nước phát triển đúng đắn, hiệu quả nhất.
 
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Diện mạo đất nước đã thay đổi đáng kể. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia ngày càng được tăng lên. Những thành tựu đó tạo cơ sở vững chắc để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong những năm tới.
 
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng ta thường xuyên coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Còn nhớ cách đây 45 năm trước, ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị (khóa III) đã ra Chỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Từ đó đến nay, qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta tiến hành một số cuộc vận động mang nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
 
Sau Đại hội X của Đảng, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Đảng phát động đã tạo nên sự chuyển biến về chính trị và ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác. Tiếp đến, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, coi việc học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của các chi bộ, tổ chức Đảng và trong toàn xã hội, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trong bộ máy lãnh đạo và quản lý, thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; đẩy lùi và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội khác; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
 
Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, chúng ta tự hào vì những thành tựu to lớn vẻ vang đã đạt được. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khuyết điểm, yếu kém, chưa thực hiện đầy đủ hoặc chưa trọn vẹn nhiều điều Bác căn dặn trong Di chúc. So với nhiều nước trong khu vực và thế giới, nước ta vẫn còn ở trình độ phát triển thấp; kinh tế tuy có tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, sự vi phạm các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt, sự lạm dụng quyền lực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ đảng viên có tác động không tốt đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
 
Thời gian càng lùi xa, càng minh chứng giá trị trường tồn và sức sống mãnh liệt của Di chúc. Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, bản Di chúc của Người là di sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường, chỉ lối cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG