Độc lập cho ai, có vì dân tộc, nhân dân hay không? (tiếp theo)

08:08, 07/08/2014

… 84 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được độc lập dân tộc, thống nhất và đưa nước nhà tự tin hội nhập quốc tế, thực tế cho thấy không bao giờ có sự cản trở, mất tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, báo chí mà ngược lại Đảng thực sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để tạo điều kiện phát lộ những người cầm bút "có tâm, có tài, có tầm". 

[links()] … 84 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được độc lập dân tộc, thống nhất và đưa nước nhà tự tin hội nhập quốc tế, thực tế cho thấy không bao giờ có sự cản trở, mất tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, báo chí mà ngược lại Đảng thực sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để tạo điều kiện phát lộ những người cầm bút “có tâm, có tài, có tầm”. 
 
Sự kiện đổi mới toàn diện đất nước được đánh dấu son vào năm 1986 với Đại hội Đảng VI. Trong sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn dân, vấn đề đổi mới văn học nghệ thuật, về lý luận văn học cũng là một trong những vấn đề hết sức trọng yếu. Ngày 28 - 11 - 1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 05 với nội dung “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1960, Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng đã đặt vấn đề: Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc. Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống mới, con người mới”… Dưới ánh sáng các quan điểm đó, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã thực sự “trăm hoa khoe sắc”, gặt hái nhiều thành công lớn. Từ năm 1984 – 2012, qua 7 đợt xét có 266 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, 1.934 Nghệ sĩ ưu tú. Cả nước có 4 vạn văn nghệ sĩ là hội viên các Hội Văn học - Nghệ thuật ở Trung ương và địa phương (trong đó có trên 1,4 vạn hội viên các hội Trung ương). Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ thực sự được tôn trọng, được vinh danh. Tính từ năm 1996 đến thời điểm 2012, cả nước qua 4 đợt xét có 102 tác phẩm công trình văn học nghệ thuật đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; qua 3 đợt xét có 458 tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đạt Giải thưởng Nhà nước.
 
Trên lĩnh vực phát triển báo chí, đến cuối năm 2013, cả nước có 199 cơ quan báo, 639 tạp chí, 4 đài PT, TH Trung ương, 67 đài PT-TH địa phương, với tổng 198 kênh truyền hình, 64 nhà xuất bản, gần 17.000 người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo… Thực tiễn minh chứng hoạt động của báo chí thể hiện sự khách quan, trung thực, định hướng tích cực tới đời sống xã hội và không phải là mất “tự do”, có “rào cản”… Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà lực lượng báo chí đã làm có hiệu quả và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặt ra: Báo chí tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội với một tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao; góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội. Báo chí phải là một lực lượng nòng cốt đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. 
 
Về khái niệm “tự do”, đây là phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn của mình trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin: Tự do không cốt ở sự độc lập tưởng tượng đối với những quy luật của tự nhiên, mà cốt ở chỗ nhận thức được những quy luật đó vào hành động thực tiễn: “Chừng nào chúng ta chưa nhận thức được một quy luật của tự nhiên, thì chừng đó nó còn tồn tại và tác động một cách độc lập, ở bên ngoài ý thức của chúng ta, biến chúng ta thành kẻ nô lệ của “tính tất yếu mù quáng”. Nhưng một khi chúng ta đã nhận thức được nó, thì quy luật đó, tác động một cách độc lập đối với ý chí và ý thức chúng ta (Điểm này Mác đã nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần), sẽ làm cho chúng ta trở thành người chủ của giới tự nhiên” (Lê-nin: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán)… Điều này khác ngược với tự do chủ nghĩa là tùy tiện theo ý riêng, không chịu sự ràng buộc của nguyên tắc tổ chức… Thế mà những người mưu toan xui khiến thành lập “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” dám phủ nhận vai trò to lớn của nền báo chí cách mạng nước nhà trong việc định hướng dư luận xã hội bằng luận ngụy cho rằng đã đến lúc báo chí và các nhà báo Việt Nam cần có tư cách độc lập để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”; báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội dân sự, một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang cận kề…
 
Văn hóa, văn nghệ hay báo chí có nhiệm vụ hàng đầu là phục vụ nhiệm vụ chính trị của dân tộc. Ở Việt Nam, từ năm 1960, Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng đã đặt vấn đề: Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc. Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống mới, con người mới… Theo đó: Văn nghệ không thể thoát ly chính trị mà văn nghệ phải phục tùng chính trị, phải tích cực tham gia cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải là một “mặt trận” dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng (Hoàng Xuân Hãn, Nội dung tính Đảng Cộng sản và tính nhân dân trong văn học cách mạng hiện đại - 1970). Nhà văn Xô Viết nổi danh Gorki từng có lời bất hủ: Tôi viết bằng trái tim nhưng trái tim đó thuộc về Đảng!
 
Trở lại vấn đề đòi tự do đối với văn học, báo chí của nhóm người “sùng bái” phương Tây thì hãy ngẫm nghĩ về nhận xét của Paul Sethe – nhà báo danh tiếng, nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học xã hội CHLB Đức “Tự do báo chí là tự do phổ biến những ý kiến riêng của 200 người giàu có”, “Bởi vì việc xuất bản những tờ báo và tạp chí luôn luôn đòi hỏi một lượng lớn tư bản, nên nhóm người làm ra các cơ quan báo chí sẽ thường xuyên nhỏ đi. Qua đó, sự phụ thuộc của chúng ta ngày càng lớn, càng nguy hiểm hơn”! Ở đất nước có biểu tượng “Nữ thần Tự do” cũng bộc lộ nghịch lý, theo 10 điều bổ sung của Hiến pháp Hoa Kỳ, có hiệu lực từ năm 1791, Quốc hội Mỹ không được phép ban hành bất cứ văn bản nào hạn chế tự do ngôn luận và báo chí nhưng theo Đạo luật năm 1798 thì sẽ là tội phạm nếu viết, in, phát biểu và phổ biến những văn bản sai sự thật, cố ý xúc phạm hay chống lại chính quyền. Để truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm lĩnh vực này, Điều 2385 Chương 115 Bộ Hình sự Mỹ ghi rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực. 
 
ĐAN THANH