Chức năng của văn học hay báo chí chân chính là phản ánh bản chất, xu hướng vận động đúng quy luật khách quan của hiện thực cuộc sống chứ không phải là sự áp đặt, bóp méo sự thật theo chủ đích của một nhóm người...
[links()]
Chức năng của văn học hay báo chí chân chính là phản ánh bản chất, xu hướng vận động đúng quy luật khách quan của hiện thực cuộc sống chứ không phải là sự áp đặt, bóp méo sự thật theo chủ đích của một nhóm người. Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo (cuối năm 2011, khi đoàn nhà báo Việt Nam sang Mỹ) có đặt vấn đề với lãnh đạo Trường Đại học báo chí Little Rock, tiểu bang Arkansas: Báo chí Mỹ thông tin Tổng thống Sadam Hussein của Iraq sản xuất và tàng trữ vũ khí hủy diệt, do vậy Mỹ phải đánh Iraq để diệt trừ hậu họa. Sau này, chính Mỹ tuyên bố không tìm thấy vũ khí hủy diệt tại Iraq. Trước đây, tháng 8/1964, một số tờ báo Mỹ cũng đã nói theo Nhà Trắng, làm ồn ào “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, cho rằng hải quân Bắc Việt Nam tấn công hạm tàu Mỹ ngoài vùng biển quốc tế, do vậy không quân Mỹ buộc phải trả đũa Bắc Việt Nam để tự vệ, mở đầu là cuộc không kích đánh phá miền Bắc Việt Nam ngày 5/8/1964. Về sau, Nhà Trắng phải thừa nhận “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trong cuộc chiến tranh Việt Nam hồi ấy là sự kiện giả. Như vậy trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí Mỹ trong các trường hợp này như thế nào? Giáo sư Bruce Plopper phải khẳng định: Đúng là báo chí Mỹ đã rất sai lầm, đã thiếu trách nhiệm trong thông tin. Thông tin sai sự thật như vậy là không có đạo đức báo chí. Những sự kiện này, báo chí nói theo cách nói của chính quyền Mỹ, của tình báo Mỹ mà đã không có sự kiểm chứng và điều tra độc lập! Còn Luật sư - nhà báo - học giả truyền thông, ông Peter Scheer tại Viện Giáo dục Quốc tế thành phố Francisco nhận định: Đã có lúc báo chí Mỹ sai, không thực thi đúng cả về góc độ trách nhiệm với công chúng và góc độ đạo đức nghề báo. Trong việc thông tin sự kiện cuộc chiến Iraq và sự kiện Vịnh Bắc Bộ, báo chí Mỹ đã không đúng và thiếu trách nhiệm…
Thực chất mặt trái của “tự do” báo chí phương Tây là vậy, thế mà những người cổ xúy đòi thành lập “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” lại ra sức rêu rao ca tụng “độc lập”, “tự do”, “đa nguyên, đa đảng” theo kiểu phương Tây. Họ nghĩ gì khi những ngày gần đây người dân lương thiện ở Ucraina đang khốn khổ, đổ máu vì chiếc “bánh vẽ” dân chủ và nhân quyền. Trước đây, quốc gia này là một mô hình “chuẩn” về dân chủ và nhân quyền mà phương Tây đang tán tụng. Nếu lấy số lượng các đảng chính trị và quyền tự do ngôn luận báo chí làm tiêu chí thì ở đây “nhiều dân chủ, nhân quyền” nhất thế giới. Đến nay, Ucraina chỉ với trên 46 triệu dân có tới 200 đảng phái chính trị. Hệ thống truyền thông theo chế độ đa sở hữu, vừa sở hữu nhà nước vừa sở hữu tư nhân và những năm 2004 - 2009 là thời kỳ hệ thống truyền thông tư nhân phát triển nhất… Thực tế vừa qua thì sao? Dân chủ và nhân quyền là hai giá trị cao quý nhất của nhân loại đã bị các đảng phái, nhóm lợi ích sử dụng để lừa mỵ, thao túng, bị chà đạp một cách không thương tiếc; quyền sống của người dân không có gì được đảm bảo..!
Dân chủ và Nhân quyền ra đời rất sớm và từng tồn tại trong nhiều thời đại. Ngày nay, khái niệm dân chủ được hiểu trên hai bình diện: Trên bình diện pháp lý, đó là quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân. Trên bình diện xã hội, đó là thể chế nhà nước pháp quyền, pháp luật tối thượng, trong đó các quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm. Nhân quyền về mặt đạo đức là giá trị cơ bản, cốt lõi, là nhân văn của con người. Đây được coi là thước đo và điều kiện cho sự phát triển của mỗi quốc gia… Cho dù Dân chủ, Nhân quyền được định nghĩa như thế nào, pháp luật quy định như thế nào phụ thuộc từng quốc gia song vẫn phải dựa trên sự ổn định xã hội, tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích của đại đa số nhân dân. Đối với Việt Nam, sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 - 2010), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định, đất nước ta giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa”. Trước thực tế đất nước đang trên đà phát triển không thể phủ nhận như vậy, thế mà một số người lại “quá mù ra mưa” đòi thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập Việt Nam” và “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”. Phải chăng mục đích của họ nhằm đánh bóng tên tuổi, tự túm tóc nhấc mình lên khỏi mặt đất? Đòi “tự do” nhằm thỏa mãn những bức xúc, bất mãn cá nhân... Ngày 23/12/2013, “Văn đoàn độc lập Việt Nam” thật lộng ngôn khi ra thông báo sẽ hoạt động với phương châm bất bạo động, ôn hòa, tạo chuyển biến từ bên trong để thay sự độc tài, Đảng trị… Với luận điểm này, người ta đã cố tình phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong hơn 8 thập kỷ qua. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam chính là sự đáp ứng được yêu cầu khách quan của xã hội. Trong quá trình lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn được nhân dân tín nhiệm và tỏ rõ vai trò một tổ chức chính trị tiên phong trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của đất nước; đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đưa dân tộc ta từ địa vị nô lệ lên địa vị người làm chủ, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạnh chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”…
Chưa hết, họ mưu toan văn nghệ, báo chí thoát ly chính trị song lại không nhận thức được bản chất của chính trị là “tham gia công việc Nhà nước, là chỉ đạo Nhà nước, là xác định những hình thức, những nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Nhà nước” (Lê-nin văn tập). Nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp, Nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, phải khẳng định “Văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” chỉ là tham vọng của một nhóm người đang đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân!
ĐAN THANH