Bắt đầu từ ngày 1/8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân chống chiến tranh đế quốc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định chọn làm ngày truyền thống hàng năm ngành Tuyên giáo kể từ năm 2007.
Ngày 1/8/1930, Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8” nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1/8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Khi được phát hành, tài liệu này đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Bắt đầu từ ngày 1/8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân chống chiến tranh đế quốc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định chọn làm ngày truyền thống hàng năm ngành Tuyên giáo kể từ năm 2007.
Nhìn lại 84 năm qua, bao thế hệ làm công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng Đảng, cùng đất nước, dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nguy, thử thách. Dấu chân người làm công tác tuyên giáo in đậm trên mọi nẻo đường từ hậu phương đến tiền tuyến; từ miền quê hẻo lánh đến nơi phố thị đông người; từ trong nhân dân đến các tổ chức của Đảng, Nhà nước và ngay cả trong lòng địch.
Có ai đó nói rằng: Tư tưởng là cái không nhìn thấy được, không sờ nắm được nhưng nó lại có một sức mạnh vô song, làm nên chí khí và hành động phi thường. Công tác tư tưởng đã góp phần quyết định thành công cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và cuộc Tổng tấn công giải phóng miền Nam 30 tháng 4 huyền thoại. Để có những chiến thắng tạc vào thế kỷ ấy, không ít cán bộ tuyên giáo - những người lính tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng đã ra đi, đi mãi không về!
Kỷ niệm Ngày Truyền thống Ngành Tuyên giáo, xin được đôi dòng nhắc lại chuyện của một thời đã qua, để thế hệ cán bộ tuyên giáo hôm nay bồi đắp thêm niềm tự hào về sự hy sinh cũng như những đóng góp to lớn của các thế hệ làm công tác tuyên giáo đi trước trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng thời phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng của Đảng; Khắc cốt ghi tâm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí” do đó “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu về công tác tư tưởng của ngành Tuyên giáo không chỉ cho hôm qua, hôm nay mà còn mãi mãi về sau.
Kỷ niệm 84 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo giữa lúc thế giới đang có nhiều bất ổn; Đảng đang bộn bề với bao công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp; tình hình phát triển kinh tế của đất nước và của địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, trong lộ trình phát triển, tỉnh ta vẫn tin tưởng, phấn đấu đạt được những mục tiêu cơ bản đã đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng GDP phải đạt từ 14 đến 14,5%; tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 đến 2%, có 15 xã phải đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới… Tỉnh ủy cũng đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng then chốt; tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị… Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc với tinh thần cách mạng cao nhất và hiệu quả nhất. Ở đây, vai trò của đội ngũ làm công tác Tuyên giáo được xác định là một trong những binh chủng chủ lực trong công tác tuyên truyền.
Yêu cầu đó, đòi hỏi ngành Tuyên giáo Lâm Đồng phải nghiên cứu sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các mục tiêu, giải pháp kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra; vận dụng một cách sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời không ngừng rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp công tác tư tưởng, kịp thời định hướng dư luận, cổ vũ và tạo niềm tin vững chắc trong mọi tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, mãi xứng đáng là người lính xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhật Minh