Trong quá trình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như ở huyện Đam Rông có cách làm "phản biện" việc thực hiện đăng ký nội dung và chuẩn mực đạo đức theo gương Bác Hồ của cán bộ, đảng viên đang phát huy hiệu quả trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.
Thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong cả nước (nói chung), Lâm Đồng (nói riêng), lấy việc “làm theo” làm trọng tâm của việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị. Trong quá trình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như ở huyện Đam Rông có cách làm “phản biện” việc thực hiện đăng ký nội dung và chuẩn mực đạo đức theo gương Bác Hồ của cán bộ, đảng viên đang phát huy hiệu quả trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.
Theo đó, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông chỉ đạo TCCS Đảng các cấp tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh theo chuyên đề xuyên suốt đến năm 2015 “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, làm người công bộc, tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, nếp sống riêng giản dị” và chủ đề hàng năm. Trên cơ sở kết quả thực hiện, khi tiến hành chào cờ đầu tuần, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên giữ chức vụ chủ chốt được chỉ định phải tự kiểm điểm những việc làm được, chưa làm được trong bản đăng ký và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh, đồng thời tổ giúp việc của Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ cử đại diện “phản biện” những nội dung mà cán bộ, đảng viên được chỉ định kiểm điểm. Sau khi cán bộ, đảng viên được chỉ định kiểm điểm trình bày xong bản kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện bản đăng ký “làm theo” và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh, người phản biện sẽ phản biện lại từng nội dung của người trình bày, trong đó chú trọng những vấn đề chưa thực hiện đúng, hoặc chưa làm được, người tự kiểm điểm phải giải trình từng chất vấn của người phản biện về hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, biện pháp khắc phục, sửa chữa của bản thân, cũng như của TCCS Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi mình đang công tác, hoặc mình giữ cương vị lãnh đạo. Đối với cán bộ, đảng viên bình thường ở cấp xã, thôn… quá trình tự kiểm điểm, phản biện cũng được tiến hành tại buổi chào cờ đầu tuần của chi bộ đúng quy trình như chào cờ đầu tuần ở cấp huyện. Tuy nhiên, để cán bộ, đảng viên chủ động trong trả lời các nội dung phản biện, bản phản biện sẽ được chuyển trước cho người được phản biện chất vấn. Điều đáng nói hơn là ở chỗ, nội dung kiểm điểm, phản biện, giải trình, biện pháp khắc phục sửa chữa trong lễ chào cờ đầu tuần sẽ được ghi vào biên bản để cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị theo dõi quá trình phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa hạn chế, khuyết điểm của người kiểm điểm, đợi đến lượt luân phiên kiểm điểm tới, nếu phát huy tốt và khắc phục sửa chữa có kết quả sẽ được ghi nhận, lấy đó là tiêu chí cơ bản để đánh giá xếp loại đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt, hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, TCCS Đảng TSVM, TSVM xuất sắc, tiêu biểu. Ngược lại, nếu không phát huy tốt, hoặc không khắc phục, sửa chữa được hạn chế, yếu kém thì không được xem xét để công nhận đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ và TCCS Đảng TSVM.
Với cách làm hay, sáng tạo nói trên, theo ông Vũ Kim Sinh - Bí thư Huyện ủy Đam Rông, việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên Đam Rông trong những năm gần đây đã đạt được kết quả khả quan hơn, thực chất hơn. Do vậy, việc đánh giá cán bộ, đảng viên và TCCS Đảng cũng đi vào thực chất, đúng đắn hơn, nên đã góp phần nâng cao được vai trò, vị trí, năng lực lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành của tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị ở địa phương.
HOÀNG KIẾN GIANG