Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, cơ bản và lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong những năm qua, Trung ương đã ban hành chính sách dân tộc đầy đủ và toàn diện trên mọi lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thông tin…
Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, cơ bản và lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong những năm qua, Trung ương đã ban hành chính sách dân tộc đầy đủ và toàn diện trên mọi lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thông tin… đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể, bằng các chương trình như: Chương trình 134, 135, 139, 1592, 2472, QĐ 18, QĐ 33, QĐ 102, chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính sách cấp báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi; chính sách đối với người uy tín… góp phần từng bước nâng cao đời sống của người dân và làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi…
Về phía địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà Ban Dân tộc đóng vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý, chỉ đạo, đề xuất chính sách đặc thù và phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thực hiện mục tiêu “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Ngày 4/8/2014, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch 3960/KH-UBND về thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Lâm Đồng”.
Theo đó, có rất nhiều chương trình, chính sách cần tập trung thực hiện để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ nay đến năm 2020 như: Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH vùng DTTS cần thực hiện có hiệu quả đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông nông thôn vùng DTTS; Thực hiện kế hoạch hàng năm về đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Tiếp tục thực hiện chính sách định canh, định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015… Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cần thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS để ổn định cuộc sống; Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường; xây dựng, triển khai các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT cho đồng bào DTTS... Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng DTTS: Tăng cường công tác đào tạo giáo viên là người DTTS cũng như tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh - sinh viên cho tỉnh Lâm Đồng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề và đề xuất với Trung ương xem xét, điều chỉnh mức học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh - sinh viên là người DTTS học tại các trường công lập, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là đồng bào DTTS; Thực hiện tốt việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là đồng bào DTTS; Phát triển toàn diện văn hóa các DTTS thông qua việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào DTTS… Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo để tạo nguồn và sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS, nhất là các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện tốt chính sách cán bộ người DTTS và người có uy tín trong vùng DTTS…
Thực hiện chính sách dân tộc đòi hỏi không chỉ có quyết tâm cao, nhận thức đúng mà còn phải xây dựng được những cách làm có hiệu quả, các hình thức, bước đi thích hợp với từng nơi, từng dân tộc, ở mỗi giai đoạn và thời điểm khác nhau cho phù hợp với những cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, hạn chế đến mức thấp nhất tốc độ gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng nhằm thực hiện mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
BAN BIÊN TẬP