Dựa vào dân để kiểm tra, giám sát

08:08, 06/08/2014

Có thể khẳng định 65 năm qua, từ khi có cơ quan Ủy ban Kiểm tra chuyên trách của Ðảng, đến nay, công tác kiểm tra của Ðảng đã đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Ðảng ta trong sạch, vững mạnh, cùng toàn Ðảng, toàn dân giành được những thành tựu to lớn.

Có thể khẳng định 65 năm qua, từ khi có cơ quan Ủy ban Kiểm tra chuyên trách của Ðảng, đến nay, công tác kiểm tra của Ðảng đã đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Ðảng ta trong sạch, vững mạnh, cùng toàn Ðảng, toàn dân giành được những thành tựu to lớn.
 
Tuy nhiên, hiện nay, trước xu thế hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường tác động đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng cần được tăng cường hơn nữa. Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra của các tổ chức, cấp ủy đảng còn nhiều yếu kém, hạn chế. Nhiều cấp ủy, tổ chức Ðảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao, chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Ðiều lệ Ðảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt. Chính vì vậy, Ðảng ta đã có nhiều văn bản, nghị quyết nhằm tăng cường, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Nhất là gần đây, Bộ Chính trị đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các tổ chức, cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương về các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát của Ðảng, đã có những chuyển biến rõ nét hơn về công tác xây dựng Ðảng.
 
Tuy nhiên, để công tác kiểm tra, giám sát có kết quả hơn, cần tập trung vào một số nội dung:
 
Thứ nhất, cần nắm chắc dư luận xã hội, kịp thời phát hiện cơ sở Ðảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, để tiến hành kiểm tra, giám sát. Ðể công tác kiểm tra đúng và trúng, kịp thời ngăn chặn các vi phạm, nhất thiết phải dựa vào dân để kiểm tra, giám sát.
 
Một trong những nguyên tắc hoạt động của Ðảng ta là, Ðảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Ðảng. Do vậy, trong thời gian tới, khi Ðảng ta ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, thì đây là một kênh vô cùng quan trọng để nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Ðảng, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Hãy đến với dân, hỏi dân, lắng nghe dân, tìm hiểu cuộc sống của dân, người ta sẽ góp ý. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hẳn một phần nói về việc cán bộ, đảng viên phải học hỏi dân chúng trong công tác, kể cả trong việc kiểm tra, giám sát. Trong việc sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, cần để nhân dân thảo luận. Người dân mình rất trăn trở và rất độ lượng trước những khuyết điểm của Ðảng, nếu Ðảng thật sự quyết tâm sửa chữa thì người dân sẵn sàng ủng hộ. Phải công khai cho dân thì dân mới dựa vào đó để kiểm soát mọi việc làm của cán bộ, đảng viên. Chừng nào mà người dân còn muốn góp ý cho Ðảng, người ta phê bình đảng viên này, cấp ủy khác thì đó là dấu hiệu của hạnh phúc. Nếu người dân im lặng không nói thì đó là điều bất hạnh, là nguy cơ lớn của Ðảng. Bây giờ dân còn đang rất hào hứng góp ý cho Ðảng, nhân dân rất kỳ vọng, vấn đề còn lại là quyết tâm của Ðảng và Nhà nước làm như thế nào cho hiệu quả. Các tổ chức đảng cần có cơ quan tiếp dân để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhưng cụ thể nhất là các đơn vị cơ sở, phải có nơi để người dân phát biểu ý kiến tâm huyết thật sự. Nếu kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng với việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đóng góp trực tiếp của người dân thì chắc chắn mọi yếu kém, khuyết điểm sẽ được khắc phục, sửa chữa một cách triệt để, đạt hiệu quả cao.
 
Thứ hai, cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Ðảng. Trong quá trình tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức Ðảng, ủy ban kiểm tra cần nắm chắc, theo dõi sát sao tổ chức Ðảng, cá nhân đảng viên có những yếu kém, khuyết điểm phức tạp, kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa, để gợi ý kiểm điểm cho từng tổ chức, cá nhân. Ðồng thời, thông qua phản ánh, khiếu kiện, tố cáo của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để làm rõ những yếu kém, khuyết điểm của từng tổ chức và đảng viên.
 
Thứ ba, cần xử lý nghiêm minh với những vi phạm kỷ luật Ðảng. Trong quá trình kiểm tra, giám sát tổ chức Ðảng và đảng viên, khi kiểm tra, giám sát những tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng Ðảng, cần có thái độ công tâm, khách quan, đúng mực, có lý, có tình. Bởi trong quá trình phát triển, từng tổ chức, cấp ủy đảng không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót, khuyết điểm. Tuy vậy, việc xử lý kỷ luật của Ðảng đòi hỏi phải nghiêm minh, không vì tình riêng hay vì vụ lợi riêng mà giấu giếm khuyết điểm. Khi tự phê bình và phê bình càng thiết thực, cụ thể, có phương pháp sửa chữa hợp lý thì thiếu sót, khuyết điểm càng nhanh được khắc phục. Nếu như trong những bước chuẩn bị tự phê bình và phê bình từ khâu lựa chọn những vấn đề, những nội dung thiết thực, cụ thể, làm rõ những vụ việc bức xúc, nổi cộm, được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân quan tâm; trong quá trình tự phê bình và phê bình được làm kỹ càng, nghiêm túc đề ra được những phương pháp, cách thức sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm thì công tác kiểm tra, giám sát sửa chữa khuyết điểm, yếu kém càng cụ thể, đạt hiệu quả cao.
 
Có thể khẳng định, việc ban hành Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), Ðảng ta đã bắt mạch được nhiều căn bệnh của các tổ chức đảng, cá nhân đảng viên. Kết quả cho thấy, mức độ khác nhau, nhiều tổ chức, bộ phận, "tế bào" đều "có vấn đề" cần được chữa trị. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đang chờ sự cố gắng, tự giác, quyết tâm chữa trị căn bệnh của mỗi bộ phận, cá nhân đã được chỉ ra. Muốn khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm, có rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt quan trọng là công tác giám sát, kiểm tra của tổ chức, cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân.
 
(Theo NDĐT)