Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng khoá XI (NQ số 29 - NQ/TW, ngày 4/11/2013) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là những công việc phải tiến hành trong nhiều năm và cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng không thể vội vàng.
Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng khoá XI (NQ số 29 - NQ/TW, ngày 4/11/2013) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là những công việc phải tiến hành trong nhiều năm và cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng không thể vội vàng. Ngoài những nhiệm vụ cần có thời gian chuẩn bị, cũng có những nhiệm vụ có thể phải bắt tay làm ngay, chẳng hạn như đổi mới công tác kiểm tra, thi cử đang được Bộ Giáo dục - Đào tạo tích cực triển khai. Đây được xem như là trận đánh lớn, mở màn của ngành Giáo dục - Đào tạo khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau; bởi lẽ, việc đổi mới kiểm tra, thi cử sẽ tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh. Tuy nhiên, việc “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”(1) mà nghị quyết đã đề ra, ngoài đổi mới thi cử đang được đưa ra lấy ý kiến, còn một số việc rất quan trọng cũng cần phải làm ngay mà không được chần chừ hoặc chờ triển khai những vấn đề liên quan khác. Đó là thay đổi nhận thức, tư duy, thái độ… của xã hội nói chung và trước hết là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo, giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy và học hướng tới mục đích “phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”(2).
Khó khăn của việc đổi mới phương pháp dạy - học hiện nay là cách truyền thụ kiến thức một chiều từ giáo viên đến học sinh; giáo viên nói gì học sinh nghe nấy, ít quan tâm đối thoại, tạo ra các tình huống có vấn đề, gợi mở ý thức phản biện, lật ngược vấn đề từ phía học sinh, dẫn đến tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thiếu sáng tạo, dần dần hình thành thói quen lười tìm tòi, suy nghĩ trong học sinh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”(3). Để đạt được yêu cầu nghị quyết đặt ra, trong lúc chờ đợi biên soạn bộ chương trình và sách giáo khoa mới, cũng như trang thiết bị dạy - học đồng bộ, thiết nghĩ ngành giáo dục cần tích cực triển khai triệt để, thực chất hơn phương pháp dạy - học tích cực đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Dạy và học nhằm mục tiêu phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, đòi hỏi các nhà trường cần tổ chức việc dạy - học một cách chặt chẽ; yêu cầu bắt buộc giáo viên phải sử dụng các thiết bị đã được trang bị, khắc phục tình trạng dạy chay trong khi một số thiết bị chất trong kho, hoặc “đắp chiếu” trong phòng học bộ môn hết sức lãng phí; tăng cường đối thoại, tăng cường khả năng tạo cảm hứng cho học sinh; coi trọng, khuyến khích những suy nghĩ, những phát hiện, phát biểu mới lạ, từ đó thúc đẩy lòng ham muốn tìm hiểu và chinh phục ở học sinh; không khuyến khích cách học ghi nhớ máy móc, làm theo bài mẫu. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị bài giảng hết sức chu đáo; chú trọng xây dựng các bài tập tình huống, bài tập thực hành và vận dụng kiến thức… Chỉ có thông qua kết quả xử lý các tình huống, hoàn thành bài tập thực hành, vận dụng kiến thức thì học sinh mới có điều kiện bộc lộ khả năng, hình thành kỹ năng một cách rõ ràng, vững chắc. Đặc biệt, ngoài giờ học trên lớp, học sinh phải có thời gian để tự học, tự tìm tòi, mở rộng, đào sâu kiến thức đã học trên lớp; qua đó, hình thành phương pháp tự học, tự cập nhật và đổi mới tri thức, hoàn thiện kỹ năng, hình thành năng lực sáng tạo. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay đang là vật cản sự đổi mới phương pháp dạy - học tích cực; bởi vì học sinh rất ít thời gian tự học để biến kiến thức của sách giáo khoa, của giáo viên thành kiến thức của mình. Việc dạy thêm, học thêm là một nhu cầu chính đáng, cần thiết nhưng khi nó trở thành hiện tượng phổ biến - tràn lan như hiện nay thì thật đáng lo ngại, vì nó không còn là “Thêm” nữa. Chính tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đang cuốn hút nhiều giáo viên chạy theo thời gian mở nhiều lớp và học sinh theo học nhiều môn trong một ngày; do đó giáo viên không còn thời gian để tìm tòi áp dụng phương pháp dạy học mới, thậm chí có những giáo viên quan tâm lớp dạy thêm hơn lớp dạy chính thức ở trường, nhiều giáo viên dạy trước chương trình trái quy định nhưng không ai quản lý. Cũng do việc dạy thêm, học thêm tràn lan nên ngoài một buổi học ở trường, thời gian còn lại trong ngày hầu như học sinh dành để đi học thêm ở nhà giáo viên hoặc ở các trung tâm; dẫn đến các hoạt động xã hội, ngoại khoá, lao động rất ít được nhà trường và học sinh quan tâm. Cũng vì dạy thêm, học thêm tràn lan mà làm nảy sinh những hệ lụy phản giáo dục như phân biệt đối xử với những học sinh không đi học thêm… Rõ ràng, muốn thực hiện có kết quả việc đổi mới phương pháp dạy và học, xã hội và trước hết là ngành giáo dục phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn vấn đề dạy thêm, học thêm; đồng thời xử lý triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm như hiện nay, nếu không những vấn đề đặt ra trong nghị quyết của Trung ương sẽ khó đạt được.
(1),(2),(3). Nghị quyết 29 - NQ/TW.
BAN BIÊN TẬP