Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

09:08, 20/08/2014

(LĐ online) - Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến xã đã tuyển dụng, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó có cán bộ DTTS thông qua hình thức thi tuyển đảm bảo năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, đúng tiêu chuẩn quy định. 

(LĐ online) - Nhận thức rõ vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các cơ quan làm công tác cán bộ tỉnh, huyện đã chủ động làm tốt công tác tuyển dụng, xét tuyển công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến xã đã tuyển dụng, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó có cán bộ DTTS thông qua hình thức thi tuyển đảm bảo năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, đúng tiêu chuẩn quy định. 
 
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, CB, CC trong đó có chính sách cán bộ DTTS đến các ngành, các cấp và toàn thể đội ngũ viên chức. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng với Sở Nội vụ tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD), sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS cho từng giai đoạn cách mạng theo hướng tăng số lượng, nâng cao về chất lượng, có tính đến cơ cấu dân tộc. Điều đó thể hiện trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị tương đương giai đoạn 2015-2020. Chẳng hạn cấp tỉnh: Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ là cán bộ DTTS 7/92 vị, đạt 7,6%; Ban Thường vụ 3/23 vị, đạt 13%; Ủy viên HĐND tỉnh 1/4 vị, đạt 25%; cấp phó các ban Đảng 2/54 vị, đạt 3,7%; Mặt trận và các đoàn thể: cấp trưởng 1/17 vị, đạt 5,88%; cấp phó 7/22 vị, đạt 31,82%. Các sở, ban, ngành nhà nước: cấp trưởng 3/57 vị, đạt 5,26%; cấp phó 9/166, đạt 5,42%. Tương tự cấp huyện: Ban Chấp hành Đảng bộ 125/1104 vị, đạt 11,32%; Ban Thường vụ 28/321 vị, đạt 8,72%. Bí thư Huyện ủy 2/32, đạt 6,25%; Phó Bí thư 5/74, đạt 6,75%; Chủ tịch HĐND 2/29 vị, đạt 6,90%; Phó Chủ tịch HĐND 4/34 vị, đạt 8,82%; Phó Chủ tịch UBND 3/69 vị, đạt 3,35%. 
 
Qua khảo sát tại 143 cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của các sở, ban, ngành có 11.344 cán bộ, công chức (CB, CC), viên chức, trong đó có 589/11.344 CB, CC viên chức dân tộc thiểu số, chiếm 5,19%; đảng viên là người dân tộc có 120/589, chiếm 20,48%. Số CB, CC, viên chức được biên chế 413/589 người, chiếm 70,47%, nữ 283/589 người, chiếm 48,29%. Ở cấp huyện hiện có 1.745/19.472 CB, CC, viên chức dân tộc thiểu số, chiếm 8,96%; trong đó giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy 4 người; Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy 7 người; Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện 2 người, Chủ tịch Mặt trận và các đoàn thể 5 người; Phó Chủ tịch Mặt trận và các đoàn thể 18 người.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác ĐT, BD nâng cao trình độ cho đội ngũ CB, CC, viên chức theo kế hoạch hàng năm, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ CB, CC, viên chức DTTS trẻ có năng lực, có tâm huyết, nhiệt tình để đưa đi đào tạo đủ chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới. 
 
Đặc điểm nổi trội của đội ngũ CB, CC người DTTS luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Số đông cán bộ có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Nhiều CB, CC được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng, trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đại bộ phận cán bộ DTTS có tư duy trực quan, bộc trực, thẳng thắn, thật thà, không a dua, xu nịnh. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ dân tộc ngày càng được nâng cao. Tính đến nay đã có 16 thạc sĩ, 387 đại học, 24 cao đẳng, 79 trung cấp… bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến kết quả đạt được thì công tác xây dựng đội ngũ CB, CC, viên chức còn bộc lộ một số hạn chế sau:
 
Việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ DTTS của một số cơ quan, đơn vị, ngành chưa thật sự hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo được tính kế thừa giữa các thế hệ CB, CC; nhiều nơi còn mang tính chắp vá, chỉ mới giải quyết những vấn đề trước mắt, thiếu chiến lược lâu dài. Chất lượng ĐT, BD trên thực tế có mặt còn hạn chế, chưa mang tính căn bản, hệ thống. Khâu quy hoạch, ĐT, BD gắn với bố trí, sử dụng có trường hợp chưa hợp lý…
 
Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chú trọng việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo cán bộ DTTS. Hiện tại có 29 cơ quan, đơn vị không có cán bộ DTTS. Một số địa phương có đông đồng bào DTTS, nhưng không có cán bộ DTTS như khối chính quyền huyện Bảo Lâm; huyện Đam Rông là đơn vị có đông đồng bào DTTS (chiếm 77,7%), cán bộ DTTS tuy nhiều nhưng cũng chỉ chiếm 17,48%. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và CB, CC lãnh đạo, quản lý chưa chủ động xây dựng quy hoạch CB, CC kế nhiệm cho ngành, địa phương mình. 
 
Điều đáng lưu ý có nơi, có lúc lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thật sự tin tưởng khi giao nhiệm vụ cho cán bộ DTTS, dẫn đến tình trạng cán bộ DTTS tâm tư, bức xúc, tự ti dẫn tới sự phấn đấu cầm chừng, bàng quan trước các hoạt động của cơ quan, đơn vị.
 
Để xây dựng đội ngũ CB, CC, viên chức người DTTS của tỉnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
 
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, trước hết là cấp ủy đảng các cấp. Điểm mấu chốt đặt ra cho cấp ủy, chính quyền là phải dồn sức xây dựng các đề án về phát triển nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ CB, CC người dân tộc nói riêng làm cơ sở để bổ sung nguồn CB, CC kịp thời, có chất lượng. Nên chăng trong các nghị quyết của các đảng bộ trên địa bàn sắp tới phải đưa tỷ lệ CB, CC là người DTTS trong bộ máy khoảng 15-20%; riêng những huyện đông đồng bào DTTS thì khoảng 20-25%. 
 
Chủ động làm tốt công tác quy hoạch tạo nguồn CB, CC. Để làm tốt công tác này cần khảo sát đánh giá hiện trạng cán bộ người DTTS. Có như vậy mới có căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, đưa CB, CC vào quy hoạch đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện. Hiện nay toàn tỉnh còn 824 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng là con em đồng bào DTTS. Đây là nguồn cán bộ có chất lượng đặt ra cho các cấp ủy Đảng phải đưa vào quy hoạch, sử dụng đội ngũ sinh viên này, nhất là đối với cấp xã, từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC xã, phường trong những năm đến.
 
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng CB, CC người DTTS. Cần đa dạng hóa nội dung, phương thức ĐT, BD cán bộ người DTTS. Kết hợp ĐT, BD về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ, an ninh quốc phòng, công tác vận động quần chúng, dân tộc, tôn giáo… Kết hợp đào tạo chính quy, tại chức, bồi dưỡng ngắn ngày, tập huấn, tham quan các mô hình trình diễn, tự học của CB, CC nhằm nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn, năng lực tư duy và kiến thức thực tiễn. Đặc biệt trong những năm đến vừa coi trọng đào tạo chính quy, cơ bản cho CB, CC người dân tộc, cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn từ 7 đến 10 ngày, chủ yếu trang bị kiến thức mới, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống, tác nghiệp có tính chất “cầm tay chỉ việc”, nhất là đối với CB, CC cấp xã. 
 
Bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ CB, CC. Phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, năng lực sở trường của CB, CC để bố trí sử dụng hợp lý cán bộ. Làm sao CB, CC người dân tộc phải tương thích với cán bộ người Kinh trong tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, không để chênh lệch quá lớn trong bố trí, sử dụng. Cần có quan điểm lịch sử cụ thể trong bố trí, sử dụng cán bộ. Cán bộ người dân tộc tuy có những tiêu chí còn thấp so với cán bộ người Kinh nhưng phải mạnh dạn, tin tưởng giao nhiệm vụ cho họ, không nên quá cầu toàn. Cán bộ người DTTS tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ người Kinh phải giúp đỡ, kềm cặp, nhắc nhở. Trong những năm đến phải tăng dần cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc trong hệ thống chính trị các cấp. Đồng thời trước khi đề bạt, bổ nhiệm CB, CC người dân tộc cần tham khảo ý kiến nhận xét của nhân dân, bởi họ hiểu rõ phẩm chất, năng lực và xu hướng triển vọng của cán bộ.
 
NGUYỄN THẾ TƯ