Về công tác xây dựng đảng cầm quyền

08:09, 12/09/2014

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn và bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc là tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng...

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn và bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc là tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn, vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hiện tại và trong tương lai. Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta hết sức vinh dự, tự hào về những thành tựu đạt được, đồng thời cũng nghiêm khắc nhận trách nhiệm về bao điều chưa làm được và những khuyết điểm, yếu kém. 
 
Sau phần mở đầu khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi và nêu lý do Bác viết Di chúc là “để sẵn mấy lời này…”, nội dung của bản Di chúc trước hết Bác nói về Đảng và công tác xây dựng Đảng. Về phần này, Người nêu lên 3 vấn đề rất quan trọng nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng ta, đó là “Đoàn kết” - “Thực hành dân chủ rộng rãi” - “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, 45 năm qua, Đảng ta đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng. Ngay từ tháng 9/1969, sau khi Bác qua đời, Đảng ta đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc Hồ Chủ tịch”; tổ chức kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh từ năm 1970; nội dung xây dựng Đảng trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các khóa luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Từ khi tiến hành đổi mới đất nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt và thường xuyên coi trọng công tác này; đặc biệt, đã có các hội nghị Trung ương bàn về chuyên đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, tháng 2/1999 “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng” và Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, tháng 12/2011 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Kết quả thực hiện các nghị quyết của Đảng đã góp phần tăng cường công tác xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở; những khuyết điểm, yếu kém được khắc phục, sửa chữa; sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, giữ vững và phát huy; dân chủ trong Đảng được mở rộng; sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng không ngừng được nâng lên. Chính nhờ học tập và làm theo Di chúc của Bác nên 45 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là: Tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước một cách vẻ vang, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện; đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhưng vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; vị thế Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao… 
 
Những kết quả đạt được qua 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ rất đáng tự hào và không ai có thể phủ nhận, song so với những gì mà Bác mong muốn thì vẫn còn nhiều điều rất đáng quan tâm, lo lắng. Vẫn biết rằng Đảng ta rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đề ra nhiều chỉ thị, nghị quyết nhưng kết quả đạt được trong thực tế so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, yếu kém. Mặc dù Đảng ta xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt nhưng trong thực tế nhiều tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức công tác này, thậm chí có nơi còn lơ là, thực hiện chưa tốt; sự đoàn kết thống nhất ở một số tổ chức Đảng chưa cao, chưa có sự thống nhất giữa nói và làm; thực hành dân chủ ở nhiều nơi còn hình thức, tạo cơ hội cho độc đoán, chuyên quyền nảy sinh, gây sự nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ; tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình chưa thực sự “thường xuyên và nghiêm chỉnh”; công tác chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” chưa làm tốt… Từ đó, dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu chậm được khắc phục và đang có xu hướng diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; mà còn đặt đất nước đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn.
 
(còn nữa)
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG