Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc "đi xa", Bác Hồ đã 2 lần nhắc đến thanh thiếu niên và nhi đồng - thế hệ mầm non tương lai của đất nước. 45 năm qua, những lời dạy thiêng liêng của Người vẫn nguyên giá trị đối với công tác chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ của Đảng ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay...
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc “đi xa”, Bác Hồ đã 2 lần nhắc đến thanh thiếu niên và nhi đồng - thế hệ mầm non tương lai của đất nước. 45 năm qua, những lời dạy thiêng liêng của Người vẫn nguyên giá trị đối với công tác chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ của Đảng ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay...
|
Chi đoàn Báo Lâm Đồng trao quà cho học sinh vùng sâu của huyện Đạ Huoai dịp Tết Trung thu 2014. Ảnh: PHAN NHÂN |
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên (TTN) và nhi đồng (NĐ). Bác thường dùng những lời trìu mến, dung dị để khuyên TTN phấn đấu, rèn luyện trong học tập, sinh hoạt và lối sống. Trong thư gởi thiếu nhi năm 1946, Bác viết “…Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu: Phải siêng học/ Phải giữ sạch sẽ/ Phải giữ kỷ luật/Phải làm theo đời sống mới/Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học tập và rèn luyện mọi mặt của TTN. Bác dạy thế hệ trẻ: “Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập…”(2). Học tập theo Bác là học văn hóa, học chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật… học để làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở quan tâm nhất việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ là ngoài đào tạo kiến thức, năng lực chuyên môn, phát triển nhân tài, cần chú trọng đến bồi dưỡng đạo đức. Trong hai từ ĐỨC - TÀI , Người luôn đặt chữ “đức” lên trước và nhấn mạnh “đức là đạo đức cách mạng” là cái Gốc, rất quan trọng”. Bác viết: “Dạy cũng như học, phải chú trọng cả đức lẫn tài. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(3). Bồi dưỡng, giáo dục TTN thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước trong tương lai là chú trọng phát triển tài năng và luôn quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng, tình yêu nước cho thế hệ trẻ... Giáo dục tình yêu nước cho thế hệ trẻ cần xuất phát từ việc bồi dưỡng tình yêu quê hương, gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè; giúp TTN biết quý trọng thầy cô, kính già, yêu trẻ, có lòng vị tha, trung thực và chăm ngoan hiếu thảo…
Bác Hồ đã đặt sứ mệnh của đất nước tùy thuộc vào TN. TN có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; sự tồn, vong của dân tộc tùy thuộc vào lực lượng TN, nghĩa là tùy thuộc vào sự trưởng thành cả về ĐỨC và TÀI của thế hệ trẻ. Bác đã nhiều lần khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên…”(4). Trong Thư gởi TTN và NĐ toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Và, đến phút cuối cùng trước một cuộc “đi xa”, Bác cũng không quên nhắc Đảng ta phải quan tâm đến thế hệ trẻ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(5).
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời, lãnh đạo cách mạng đã có nhiều chủ trương lãnh đạo công tác TN và tổ chức Đoàn TN. Đảng lãnh đạo sâu sắc, trực tiếp và toàn diện đối với Đoàn TN. Đảng xác định “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng dự bị, cánh tay đắc lực của Đảng”. Qua mỗi kỳ Đại hội, các nghị quyết của Đảng đều đề cập đến vai trò to lớn của tổ chức Đoàn TN; xác định nhiệm vụ của TN trong mỗi giai đoạn cụ thể của đất nước, của cánh mạng. Đảng cũng đã giao nhiệm vụ cho đảng viên, tổ chức cơ sở đảng quan tâm, lãnh đạo công tác TN “Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm…”(7). Đảng đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về lãnh đạo công tác TN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (Khóa VII) về “Công tác thanh niên trong tình hình mới”; Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (Khóa X) tiếp tục ban hành Nghị quyết số 25 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) dành Chương X, với 2 Điều (Điều 44, 45) để nói về Đoàn TN và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Hiện nay, toàn Đảng ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là dịp để cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đánh giá thực chất việc triển khai thực hiện những nội dung quan trọng trong Di chúc thiêng liêng Bác đã để lại; trong đó có công tác rất quan trọng: “chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau…”.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đoàn TN đã có nhiều đổi mới nội dung và hình thức hoạt động bằng việc phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn, các chương trình hành động cách mạng trong tuổi trẻ cả nước. Từ phong trào “3 xung phong”, “5 sẵn sàng” đến 2 chương trình lớn: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”; “5 xung kích tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành cùng TN lập thân lập nghiệp”… đã tác động tích cực đến tư tưởng, hành động của tuổi trẻ.
Gần đây, việc Đoàn TN tổ chức trình chiếu các bộ phim tư liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”; “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”… thu hút hàng triệu đoàn viên, TTN. Việc phát hành 2 cuốn nhật ký của nữ liệt sĩ, Bs Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc được tuổi trẻ trong cả nước đón đọc rất xúc động. Thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, Đoàn TN tổ chức nhiều hình thức: thi kể những mẩu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, thực hiện “Nhật ký làm theo lời Bác”, “Tủ sách thanh niên”, Liên hoan tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng các thế hệ… thật sự thổi vào đời sống tình cảm của TTN luồng sinh khí mới, góp phần thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào TTN ở các địa phương phát triển…
Giáo dục TTN trong tình hình hiện nay cần kết hợp giữa giáo dục trực quan thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, các hội thi, hội diễn, hội trại… lồng ghép giáo dục, định hướng lý tưởng, xây dựng lối sống hình thành nhân cách cho TTN. Bên cạnh đó, chú trọng giải quyết những nhu cầu chính đáng (việc làm, thu nhập và vui chơi giải trí lành mạnh) cho TN để động viên TN phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…
- 1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập
- 5. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- 6. Văn kiện ĐH X, trang 119.
THANH DƯƠNG HỒNG