Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh

08:09, 24/09/2014

Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh ra đời là kết quả sự tiếp nhận và phát triển truyền thống dân tộc, kinh nghiệm thế giới và lý luận Mác-Lênin về đoàn kết thông qua tư duy và cuộc đời hết lòng vì dân, vì nước, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Một trong những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại một hệ thống tư tưởng sâu sắc và phong phú, trong đó có tư tưởng của Người về đại đoàn kết. Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh ra đời là kết quả sự tiếp nhận và phát triển truyền thống dân tộc, kinh nghiệm thế giới và lý luận Mác-Lênin về đoàn kết thông qua tư duy và cuộc đời hết lòng vì dân, vì nước, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Một trong những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng ký kết đồng hành thực hiện an toàn giao thông năm 2014. Ảnh: THỤY TRANG
Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng ký kết đồng hành thực hiện an toàn giao thông năm 2014.
Ảnh: THỤY TRANG
 
Năm 1951, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc nhân buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Như vậy, đoàn kết toàn dân là một đường lối lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ dừng lại ở việc xác định đó là mục tiêu mà còn khẳng định nhiệm vụ của toàn Đảng là giữ gìn sự đoàn kết. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
 
Sau khi giành được độc lập dân tộc, tại nhiều hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh sức mạnh của đoàn kết: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”. Tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận, tháng 8-1962, trong bài nói chuyện, Hồ Chí Minh nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu khẩu hiệu này được đồng chí Tố Hữu lý giải qua câu chuyện mà đồng chí hỏi Bác Hồ đại ý: Có phải Bác nhấn mạnh đoàn kết giống như Lê-nin nói Học, Học nữa, Học mãi để nhấn mạnh việc học không ạ? Bác Hồ nói chú hiểu thế à, rồi Bác giải thích đây là Bác nói lên ba tầng đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng, rồi đoàn kết dân tộc sau đó là đoàn kết quốc tế. Có đoàn kết được trong Đảng, đoàn kết dân tộc thì mới đoàn kết được quốc tế.
 
Đại đoàn kết là điểm xuất phát và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối, chủ trương của Đảng. Chính vì vậy, ở bất cứ thời kỳ cách mạng nào, khi xây dựng đường lối chiến lược, vấn đề quan trọng hàng đầu của Đảng là xác định được mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng mới có thể thu hút và phát huy triệt để sức mạnh của quần chúng vào sự nghiệp cách mạng. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cách mạng càng tiến lên, khối đại đoàn kết dân tộc càng cần được mở rộng. 
 
Là một tổ chức chính trị to lớn, cách mạng nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lãnh đạo xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, đồng thời cũng là thành viên của Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận trước hết bằng việc xác định chính sách Mặt trận đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”. Quyền lãnh đạo Mặt trận không phải Đảng tự phong cho mình, mà là được nhân dân thừa nhận. Điều này, đã được Hồ Chí Minh phân tích cặn kẽ: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải tỏ rõ là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo.
 
Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ. Đảng lãnh đạo Mặt trận trước hết phải thực hiện sự lãnh đạo của mình theo nguyên tắc của Mặt trận. Đảng phải dùng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối xử, cảm hóa, khêu gợi tinh thần tự giác, tự nguyện, hết sức tránh gò bó, quan liêu, mệnh lệnh và càng không thể lấy quyền uy của mình để buộc các thành viên khác trong Mặt trận tuân theo. Đảng phải thực sự tôn trọng các tổ chức, các thành viên của Mặt trận, nếu Đảng muốn giành được sự tôn trọng thực sự của họ. Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên về công tác Mặt trận: “Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng. Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người… Cán bộ và đảng viên có quyết tâm làm như thế thì công tác Mặt trận nhất định sẽ tiến bộ nhiều”.
 
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, tùy từng giai đoạn, Mặt trận Dân tộc Thống nhất có tên gọi khác nhau: Hội Phản đế Đồng minh (1930), Mặt trận Dân chủ (1936), Mặt trận Nhân dân Phản đế (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1946), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960). Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn mọi người phải khắc phục hiện tượng đoàn kết xuôi chiều, hình thức, đoàn kết thiếu đấu tranh với những mặt chưa tốt. Người viết: “Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Khi cổ vũ mọi người vào Mặt trận Việt Minh, Người nói: Khuyên ai nên nhớ chữ đồng: “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Từ thực tế lịch sử Việt Nam đặt ra những yêu cầu liên quan đến Mặt trận, đó là tổ chức thực hiện sứ mệnh làm cầu nối các dân tộc và tôn giáo. Và đó cũng là vấn đề có tính quyết định nhất đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những ngày mùa thu lịch sử này, cả nước đang hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII vào cuối tháng 9/2014, nhiều vấn đề sẽ được quan tâm, nhưng điều quan trọng là giáo dục ý thức Đại đoàn kết dân tộc. Trong vấn đề dân tộc, cái cần được ưu tiên hàng đầu là tình cảm, ý thức yêu nước, dân tộc gắn liền với ý thức quốc gia. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ tập trung làm rõ là Mặt trận Tổ quốc với nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm trước thềm Đại hội.
 
Hiện nay, Đảng, Nhà nước có cơ chế chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện có quan hệ hữu cơ để tìm ra phương hướng cụ thể, đáp ứng với quyền lợi của nhân dân. Xét cho cùng, muốn lãnh đạo Mặt trận, lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí. Sự đoàn kết của Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng sự đoàn kết của nhân dân.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG