Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược

08:09, 25/09/2014

Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. 

Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. 
 
Tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc nhằm rà soát, đánh giá lại các chính sách dân tộc (tháng 7/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; quan tâm, chăm lo thực hiện công tác dân tộc bằng tất cả quyết tâm, bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả. 
 
Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách về công tác dân tộc được thể hiện trong 37 nghị định, nghị quyết của Chính phủ và 140 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Ủy ban Dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Nguồn lực được bố trí thực hiện các chính sách vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2012 là 150.000 tỷ đồng. Có thể nói, chính sách dân tộc hiện nay là khá đầy đủ, toàn diện và phủ kín các địa bàn trong cả nước. Các cơ chế, chính sách từng bước thay đổi về theo hướng phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch; từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay. Vai trò của người dân và đối tượng thụ hưởng được phát huy, tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách.  
 
Tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến công tác dân tộc theo từng giai đoạn. Tập trung chỉ đạo các ngành kịp thời phân khai nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện các chính sách, trong đó, đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh Lâm Đồng vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương để phù hợp thực tế của địa phương, đặc biệt là vận dụng Nghị quyết 30a của Chính phủ xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ các xã, thôn nghèo (ngoài huyện nghèo Đam Rông) bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Định kỳ hàng năm đều có chương trình giám sát chuyên đề, kiểm tra việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục những khiếm khuyết trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, hầu hết các chính sách được thực hiện đúng theo quy định, phát huy hiệu quả. Có thể khẳng định, công tác triển khai, thực hiện chính sách dân tộc tại Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả, huy động được các nguồn lực trong tổ chức thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tạo cơ sở quan trọng cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Cho đến nay, số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm đáng kể, chỉ còn 10,76% (cuối năm 2005 là 55,14%), không còn hộ đói, ngày càng có nhiều hộ khá và giàu. Hiện có trên 95% hộ DTTS được dùng điện, trên 80% hộ DTTS được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm trong vùng DTTS… Hệ thống trường, lớp và chất lượng giáo dục vùng DTTS từng bước được cải thiện; công tác y tế, văn hóa, an sinh xã hội vùng DTTS được chú trọng. Đời sống của đại bộ phận đồng bào từng bước được cải thiện và ổn định, bộ mặt nông thôn vùng DTTS có nhiều thay đổi, khởi sắc.
 
Đảng và Nhà nước luôn có chính sách, cơ chế để hỗ trợ giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn phát triển kinh tế - xã hội, từng bước rút ngắn sự chênh lệch giữa các vùng. Tuy nhiên, những chính sách đó có đạt được hiệu quả hay không đòi hỏi bản thân đồng bào DTTS phải chủ động vươn lên, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại để phát triển. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc một cách hiệu quả, bền vững theo Văn kiện Đại hội XI của Đảng đề ra.
 
BAN BIÊN TẬP