Sáng ngày 24/9/2014, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Tổ chức Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam...
Sáng ngày 24/9/2014, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Tổ chức Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện UBND, UBMTTQ, Hội Luật gia, Sở Tư pháp, Kế hoạch & đầu tư, BCH Quân sự, Chi cục Hải quan, các thành viên Tổ Tư vấn pháp luật… Ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý Luật Tổ chức Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam tại Lâm Đồng |
Đa số các ý kiến đóng góp thống nhất tán thành dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật. Về quy định các loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá, đa số ý kiến nhất trí với quy định về các loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do nhà nước định giá như trong dự thảo luật, một số ý kiến cho rằng giá dịch vụ hàng không ở nước ta là khá cao. Cần rà soát để quy định thống nhất với Luật giá năm 2012, cần có cơ quan giám sát quản lý về giá dịch vụ hàng không. Về khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng cần phải được quy định rõ trách nhiệm thuộc về ai, của cơ quan chức năng nào và phải có phương án bồi thường nếu để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến, làm mất thời gian của hành khách, cơ quan quản lý nhà nước ngành hàng không dân dụng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp trong trường hợp để xảy ra gián đoạn, chậm chuyến, hủy chuyến bay. Đề nghị quy định giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn chủ trì, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn tàu bay…
Về Luật Tổ chức Quốc hội, đa số đại biểu tham dự tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, quan điểm và nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, cần thiết phải sửa đổi về việc bỏ phiếu “bất tín nhiệm” chứ không phải là lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội. Cần bổ sung quy định về Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vì đây là một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội, được cử tri và dư luận đồng tình, đánh giá cao. Đề nghị bổ sung quy định nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (điều 22), nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn của ĐBQH còn chung chung, cần quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn về trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, độ tuổi, cơ cấu, thành phần… về nhiệm kỳ Quốc hội (điều 2), có ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ 60 ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong là 60 ngày làm việc hay nên ghi rõ là sau 2 tháng…
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ được Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tổng hợp báo cáo sớm nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VIII.
NGUYỆT THU