Sơ kết Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng "Về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến 2020"

05:09, 09/09/2014

Sáng ngày 9/9/2014, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt sơ kết NQ 17-NQ/TU. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã chủ trì hội nghị. 

Sáng ngày 9/9/2014, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt sơ kết NQ 17-NQ/TU. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã chủ trì hội nghị. 
 
Theo báo cáo do đồng chí Đoàn Văn Việt - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại hội nghị: Để triển khai thực hiện NQ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và 5 văn bản điều hành, quy định chế độ chính sách; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NQ của Tỉnh ủy và đề án của UBND tỉnh.
 
Công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, từ 2010 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã cử CBCC, VC đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học. Về chuyên môn: đào tạo được 20 tiến sĩ, 498 thạc sĩ, 4.156 đại học, 2.927 cao đẳng, 1.807 trung cấp, bồi dưỡng: 6.246; về chính trị: cử nhân: 8, cao cấp: 142, trung cấp: 438, sơ cấp: 474; về quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp: 52, chuyên viên chính: 181, chuyên viên: 534; về ngoại ngữ: 2.653 và tin học: 3.358... Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất cũng được đẩy mạnh; tỷ lệ lao động được bồi dưỡng và đào tạo nghề bình quân mỗi năm có 30 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng bình quân 2,8-3%/năm, đến tháng 6/2014 đạt 34,2%. Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực nên số cán bộ các cấp đạt chuẩn ngày càng tăng lên; lực lượng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. 
 
Qua 6 năm thực hiện NQ 17-NQ/TU, đội ngũ trí thức, cán bộ công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ CBCC, VC có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học đạt cao so với vùng Tây Nguyên; quy mô giáo dục phát triển đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội; một số chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được ban hành, đã giúp cho CBCC và người lao động có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cấp ủy và chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển ngành, địa phương.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; một số sở, ngành chưa triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công. Một số đối tượng đào tạo chưa gắn với quy hoạch cán bộ, chủ yếu còn mang tính tự phát; công tác đào tạo nghề ở một số cơ sở chưa hiệu quả. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; chất lượng tham mưu của một số cơ quan tham mưu chưa sâu, hiệu quả công tác ở một số lĩnh vực còn hạn chế; thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề. Trình độ năng lực của một số cán bộ cấp xã còn hạn chế, nên việc nắm bắt, vận dụng các chủ trương của tỉnh, của trung ương còn gặp khó khăn. Việc ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi về công tác ở tỉnh còn chung chung, chưa có hiệu quả trong thực tiễn. 
 
Để tiếp tục thực hiện NQ 17-NQ/TU đến năm 2020, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng và an ninh của địa phương. Một số mục tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020 như: 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, CC, VC, CB chuyên trách, CC cấp xã đạt theo chuẩn quy định; 100% CBCC, VC ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có ít nhất 10% CC hành chính và 20% VC sự nghiệp hạng 3 có trình độ trên đại học; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 50-55%.
 
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định những kết quả đạt được hết sức quan trọng, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục; từ đó nêu lên một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cao nhất là những ngành, lĩnh vực tỉnh Lâm Đồng có thế mạnh.
 
TS