Việc thực hiện Di chúc của Bác trong giai đoạn mới

08:09, 18/09/2014

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là dịp để chúng ta kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện, khẳng định những thành tựu đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, yếu kém, từ đó đề ra phương hướng tiếp tục thực hiện trong thời gian tới...

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là dịp để chúng ta kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện, khẳng định những thành tựu đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, yếu kém, từ đó đề ra phương hướng tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong Đảng và toàn xã hội, qua đó tiếp tục khẳng định giá trị to lớn, vĩnh hằng của bản Di chúc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác diễn ra trong thời điểm Đảng ta đang triển khai các công việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tập trung chống phá, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa… do đó lại càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường cách mạng chúng ta đã lựa chọn. Vấn đề đặt ra là thông qua các hoạt động kỷ niệm, mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội phải tạo được chuyển biến mới về nhận thức và hành động, đề ra được phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
 
Trước hết về công tác xây dựng Đảng, chúng ta cần nhận thức sâu sắc những điều Bác nêu lên trong Di chúc là những vấn đề Người đã tiên đoán trước nguy cơ sẽ xảy ra nếu không chủ động để ngăn ngừa và né tránh, đó là: (1) Bác khẳng định “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu”, là vấn đề thiêng liêng nhất của dân tộc ta, do đó phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như "giữ gìn con ngươi của mắt mình"; (2) Để giữ được những đức tính "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", Bác nhắc nhở phải cảnh giác với tình trạng suy thoái đạo đức, phẩm chất, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, thu vén quyền lợi cá nhân, tạo lập lợi ích nhóm... những tiêu cực này sẽ trở thành nguy cơ lũng đoạn và làm hư hỏng cán bộ, kể cả một số cán bộ lãnh đạo; (3) Muốn tránh nguy cơ cán bộ dễ trở nên quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong điều kiện hòa bình và một đảng cầm quyền cần phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong xã hội nhằm phát huy được công sức, trí tuệ của nhiều người. 
 
Để ngăn chặn và khắc phục những nguy cơ mà Bác đã dự báo trước, công tác xây dựng Đảng cần phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” mà trọng tâm là tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình và những vấn đề phát sinh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức; thực hiện học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác Hồ; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp để cấp dưới, quần chúng noi theo. 
 
Về nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, thực hiện lời Bác dặn về việc chuẩn bị một lực lượng hậu bị cho sự nghiệp cách mạng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chính sách về công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới. Vấn đề đặt ra là các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cả xã hội phải có trách nhiệm chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; được học tập, có việc làm, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh. Bản thân thanh niên phải nỗ lực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ.
 
Về nhiệm vụ nâng cao đời sống của nhân dân, Bác yêu cầu “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện điều mong muốn ấy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm toàn diện các mặt đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách, những cảnh đời éo le, bất hạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trước tình hình mới để phấn đấu đạt được mục tiêu Bác dặn trong Di chúc: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. 
 
Về nhiệm vụ đoàn kết quốc tế, nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, các quan hệ chính trị - kinh tế - xã hội đan xen; do đó, mỗi cấp ủy, đảng viên, mỗi người dân cần nắm chắc tư tưởng của Bác và quan điểm của Đảng về đường lối đối ngoại. Từ đó, bình tĩnh, tỉnh táo, khôn khéo, nắm được cơ hội tốt trong quan hệ đối ngoại, trong hợp tác để phát triển đất nước; đề cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù thông qua hội nhập, hợp tác, đầu tư… để chống phá cách mạng nước ta.
 
Phần nói về việc riêng nhưng lại chính là những điều Bác lo cho dân, cho nước. Một người lãnh tụ suốt cuộc đời chỉ có một sự "ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"; do đó đã “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”; đến lúc sắp ra đi, Bác vẫn chỉ quan tâm đến đời sống nhân dân, không muốn làm phiền nhân dân sau khi mình qua đời: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Điều Bác căn dặn còn có ý nghĩa sâu xa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang mà hiện nay đang là vấn đề bức xúc. Dặn dò về việc riêng nhưng đó chính là bài học lớn cho chúng ta về đạo đức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
 
Với tầm nhìn xa trông rộng, thông qua thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú và đúc rút kinh nghiệm lịch sử, nên những điều Bác nhấn mạnh trong Di chúc là những điều cốt tử của cách mạng Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài mà các thế hệ hôm nay phải không ngừng phấn đấu hoàn thành để thoả lòng mong ước của Người.