Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển KT-XH, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại vùng nông thôn...
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển KT-XH, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại vùng nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến đầu năm 2014 còn 4,13%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 10%. Số lượng các tiêu chí nông thôn mới đạt được tại các xã đều tăng, ít nhất từ 1-2 tiêu chí trở lên, bình quân đạt 11,53 tiêu chí/xã. Đến nay, toàn tỉnh có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 21 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 51 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 39 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2014, Lâm Đồng có 15 xã đạt 19/19 tiêu chí và trong năm 2015, tập trung hoàn thành mục tiêu giai đoạn I của Chương trình xây dựng nông thôn mới là có 43 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt trên 15 tiêu chí; huyện Đơn Dương đạt tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung để thực hiện. Trước hết, yêu cầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp phải xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ để tập trung lãnh, chỉ đạo; không nóng vội, chạy theo thành tích cũng như không quá cứng nhắc trong thực hiện các tiêu chí; cần có bước đi, lộ trình cụ thể, thiết thực, vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương. Cần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã điểm, huyện điểm. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi huyện, thành phố chủ động bố trí từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động theo chiều sâu, bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để tuyên truyền sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, từng hộ gia đình; thực hiên tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với thi đua xây dựng nông thôn mới; biểu dương, nhân rộng những cách làm tốt, sáng tạo của tổ chức, cá nhân trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường các biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cán bộ cấp xã, thôn, bản.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trên cơ sở rà soát quy hoạch tổng thể, quy hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn (giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa) phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả, nhân rộng mô hình liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản. Vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường nông thôn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho từng địa phương.
Có thể khẳng định, đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
BAN BIÊN TẬP