(LĐ online) - Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI khẳng định rõ "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa". Trong quá trình vận động của cách mạng, Đảng ta rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, bởi văn hóa có vai trò to lớn vừa là nội sinh, vừa là động lực phát triển của cách mạng nước ta...
(LĐ online) - Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI khẳng định rõ “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa”. Trong quá trình vận động của cách mạng, Đảng ta rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, bởi văn hóa có vai trò to lớn vừa là nội sinh, vừa là động lực phát triển của cách mạng nước ta. Trong bối cảnh mở cửa hội nhập hiện nay, lĩnh vực văn hóa cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, làm sao thực hiện kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập vừa giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa của thế giới để làm phong phú nền văn hóa của nước ta. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đánh giá “Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn”. Bởi vậy, việc tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo (PTLĐ) của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa lại càng cấp bách hơn bao giờ hết. Theo chúng tôi Đảng lãnh đạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thông qua 2 kênh cơ bản sau: thông qua tổ chức Đảng và cá nhân đảng viên. Với tư cách là tổ chức, Đảng lãnh đạo theo những nội dung, phương thức sau:
- Đảng lãnh đạo bằng định hướng chính trị, chủ trương, nghị quyết đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tập trung hoạch định chiến lược, lộ trình, bước đi phát triển văn hóa phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học- nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn”
1. Song cần lưu ý Đảng không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể như cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn hóa. Từng bước xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, không chỉ thúc đẩy văn hóa phát triển mà còn mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế nước nhà. Đảng lãnh đạo xây dựng nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, đa loại hình để mang lại nhu cầu thẩm mỹ cho công chúng.
Sứ mạng cao cả của văn hóa là “Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại”
2.
- Đảng lãnh đạo Nhà nước, chính quyền, ngành “Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa” để quản lý, kiểm soát, tiếp thu văn hóa tiên tiến, thải loại văn hóa phẩm độc hại bào mòn niềm tin, lý tưởng của thế hệ trẻ. Định hướng chính trị của Đảng chỉ được hiện thực hóa khi nhà nước thể hiện rõ năng lực cụ thể hóa và quản lý có hiệu quả lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
- Đảng lãnh đạo nhà nước tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với các lĩnh vực của văn hóa. Đảng định hướng chính trị nhưng không cầm tay chỉ việc. Nhà nước quản lý có hiệu quả là cơ sở để các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa đi vào cuộc sống. Quản lý của Nhà nước thể hiện ở chỗ cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách, luật pháp; tạo lập đồng bộ những định chế, quy chuẩn để quản lý điều tiết các hoạt động văn hóa, không để chệch hướng. Mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật có đảm bảo tính Đảng, đường lối quan điểm của Đảng hay không tùy thuộc rất lớn vai trò quản lý của Nhà nước XHCN. Song thực tiễn vừa qua cho thấy quản lý về nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang có những bất cập, cần có những giải pháp để tháo gỡ, khắc phục.
- Đảng lãnh đạo đối với lĩnh vực văn hóa bằng công tác kiểm tra, giám sát; thanh tra văn hóa. Bởi vì kiểm tra, giám sát, thanh tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, nhà nước. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra kịp thời phát hiện những sai sót, lệch chuẩn để kịp thời chỉ đạo chính quyền, ngành văn hóa khắc phục sửa chữa; không để các dấu hiệu vi phạm trở thành bản chất nghiêm trọng, từ một người liên quan đến nhiều người.
- Đảng lãnh đạo kế thừa, tiếp nhận những giá trị văn hóa tiên tiến và lọc bỏ những yếu tố phản văn hóa. Hồ Chí Minh đã thấy rõ vấn đề giao lưu văn hóa giữa các dân tộc như một quy luật tất yếu. Không một dân tộc nào tồn tại trong quá trình khép kín. Điều đó có nghĩa là, bất cứ dân tộc nào trên thế giới đều có sự giao lưu với những dân tộc khác nhau và đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa, nghệ thuật. Người khẳng định: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta lấy để tạo ra nền văn hóa Việt Nam. Mặc dù khuyến khích giao lưu, tiếp nhận văn hóa nhưng Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Tránh nguy cơ thành kẻ bắt chước”. Đồng thời “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc”
3.
- Đảng lãnh đạo tạo môi trường, cơ chế để nhân dân giám sát, phản biện các chương trình, đề án phát triển văn hóa. Quần chúng nhân dân rất thông minh và sáng tạo; do đó tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng và phát triển văn hóa là vấn đề mang tính quy luật, thực tiễn cấp bách hiện nay.
Kênh thứ 2 là thông qua các đảng viên là nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt đó là cơ sở để quan điểm, định hướng, chủ trưởng về phát triển văn hóa, nghệ thuật của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, bảo toàn được bản sắc văn hóa, thải loại những yếu tố văn hóa lai căng, độc hại. Thông qua cá nhân đảng viên không chỉ dừng lại và trước hết ở những cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực văn hóa mà còn ở sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng cơ quan, đơn vị, thôn, buôn, làng, tổ dân phố. Cán bộ, đảng viên phải coi trọng rèn luyện tư tưởng đạo đức lối sống, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Xây dựng văn hóa trong từng tổ chức Đảng là cơ sở để đánh thức, lan tỏa văn hóa Đảng ra toàn xã hội, cộng đồng. Không xây dựng văn hóa Đảng thì khó có thể xây dựng văn hóa ngoài xã hội, cơ quan, đơn vị…
Bởi thế, việc tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới PTLĐ của Đảng ta là nhân tố quyết định sự phát triển đúng hướng, đảm bảo định hướng XHCN, làm cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
1 Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa XI. Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.26.
2 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.213
3 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.6, tr.173
NGUYỄN THẾ TƯ