Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ II là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh trong năm 2014, khẳng định đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là: "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng...
LTS: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ II là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh trong năm 2014, khẳng định đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đại hội cũng là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động, thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng để phát triển đất nước. Nhân dịp này, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác dân tộc tại địa phương.
PV: Đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết vài nét khái quát về sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh nhà 5 năm qua (2009- 2014)?
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Tỉnh Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có trên 300 ngàn người, chiếm hơn 23% dân số toàn tỉnh; sinh sống xen kẽ trên hầu hết các xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố của tỉnh. Đồng bào các DTTS luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước; đồng thời mỗi dân tộc đều giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến thăm hỏi người có công với cách mạng trong đồng bào DTTS. Ảnh: Thụy Trang |
Trong 5 năm qua, mặc dù trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo và điều hành linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần đoàn kết, phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc,… kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng tiếp tục phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa phương. Cơ cấu ngành nghề đang có sự đa dạng hoá, một số làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc (nhất là giao thông, thuỷ lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa cộng đồng…) được chú trọng đầu tư đúng mức. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã; trường, lớp từng bước được xây dựng kiên cố; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã.
Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Các lĩnh vực y tế, giáo dục trong vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục được nâng lên, hệ thống trường, lớp từng bước được chuẩn hóa. Hiện toàn tỉnh có 9 trường dân tộc nội trú; 100% số xã có trạm y tế; 100% số xã có bác sỹ về công tác; 80% số hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Cùng với việc đầu tư xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa cho cơ sở (nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; phủ sóng phát thanh, truyền hình…), các địa phương đã bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các DTTS; tổ chức các lễ hội với hình thức đa dạng, phong phú, nội dung sâu sắc.
PV: Thưa đồng chí, vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Điều ghi nhận rõ nét là hệ thống chính trị ở cơ sở trong toàn tỉnh nói chung, trong vùng đồng bào DTTS nói riêng ngày càng được củng cố và có bước phát triển quan trọng. Các tổ chức cơ sở đảng cơ bản đã thực hiện được chức năng là hạt nhân chính trị ở cơ sở; việc phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở, thôn, buôn được quan tâm chú trọng. Đến nay, 100% thôn, buôn đã có đảng viên và chi bộ; nề nếp và chất lượng sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng có nhiều tiến bộ.
Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường; việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng được tổ chức thường xuyên, nhất là việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết TW4 - Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS đã được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, ngoài các hình thức cử tuyển và chương trình đào tạo cán bộ cho xã, phường, thị trấn theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy còn đề ra chủ trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ là người DTTS để tăng cường cho cơ sở.
Hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở có nhiều chuyển biến tốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai đến tất cả các địa phương. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng được nâng lên; nội dung và hình thức hoạt động từng bước được đổi mới, phát huy dân chủ, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
PV: Đồng chí cho biết kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững và việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS?
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới là hai nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong những năm vừa qua, đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Về thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững: Vận dụng chủ trương của Chính phủ, từ năm 2009, Lâm Đồng đã mở rộng địa bàn triển khai Nghị quyết đến các xã và thôn nghèo khác trong tỉnh theo cơ chế: Trung ương hỗ trợ cho huyện Đam Rông; tỉnh hỗ trợ cho các xã nghèo; các huyện, thành phố đầu tư, hỗ trợ cho các thôn nghèo, khó khăn khác. Cách thức thực hiện là vận động các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, đồng thời có sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để các hộ nghèo vươn lên tự thoát nghèo;… Nhiều mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và tập quán sinh sống của người dân, nhiều hình thức hỗ trợ thoát nghèo như: giao khoán quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ học nghề… đã được nhân rộng và thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS được cải thiện. Đến hết năm 2013, số hộ nghèo DTTS còn 10,76% (6.792 hộ), giảm 3.482 hộ so với năm 2009; hộ cận nghèo còn 8,55% (5.396 hộ), không còn hộ đói, ngày càng có nhiều hộ khá và giàu.
Đồng thời với việc tổ chức thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã có sự gắn kết chặt chẽ với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, phong trào đã được triển khai rộng khắp đến tất cả các xã, trong đó có các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Sau 4 năm thực hiện chương trình, các xã trong tỉnh đã xây dựng và đăng ký chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia. Có thể nói, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem lại những kết quả tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn nói chung và vùng DTTS nói riêng đã được nâng lên đáng kể; nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả đang được phát huy và nhân rộng; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện.
|
Đêm khai hội cồng chiêng. Ảnh: BN |
PV: Đạt được những kết quả to lớn trên là do nguyên nhân nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Theo tôi, đạt được kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, song cơ bản do các nguyên nhân sau:
- Đảng, Nhà nước và địa phương luôn coi trọng công tác dân tộc, thường xuyên quan tâm và chăm lo đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS với nhiều chủ trương, chính sách nhất quán, đúng đắn, kịp thời, vừa có tính chất chiến lược lâu dài, vừa giải quyết được nhiều khó khăn cho đồng bào DTTS…
- Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Thực tế cho thấy, ở nơi nào, địa phương nào cấp ủy Đảng quan tâm chăm lo và chủ động chỉ đạo, hệ thống chính trị hoạt động tích cực thì nơi đó đời sống của nhân dân được nâng lên.
- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã được các cấp, các ngành tổ chức và thực hiện có hiệu quả, từ đó các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
- Đồng bào các DTTS trong tỉnh đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bằng tiềm năng đất đai, lao động của chính mình.
PV: Vậy tỉnh đã đề ra định hướng, nhiệm vụ như thế nào để phát triển vùng đồng bào DTTS trong 5 năm tới?
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Việc đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS của tỉnh phải được đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, đảm bảo sự cân đối hài hòa và tạo điều kiện về mọi mặt để vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh hơn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa đồng bào DTTS với người Kinh. Theo đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Quy hoạch và ổn định dân cư, đồng thời xác định rõ cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, ngành nghề cho từng vùng trên cơ sở lợi thế so sánh, tạo sự phát triển bền vững lâu dài.
- Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, giảm nghèo nhanh hơn so với bình quân chung của tỉnh.
- Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, thiết chế văn hóa cho vùng đồng bào DTTS gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; phấn đấu các tiêu chí về hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…) đạt mức cao nhất trong tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng…; đồng thời vận động nhân dân bài trừ những hủ tục lạc hậu; xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.
- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu về đoàn kết giữa các dân tộc để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
PV: Cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung cuộc phỏng vấn. Tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh sẽ thực sự đạt nhiều kết quả to lớn, đời sống đồng bào tiếp tục được cải thiện và nâng cao!
LAN HỒ (thực hiện)