Đường Hồ Chí Minh trên biển - thiên hùng ca Hải quân Việt Nam

09:10, 23/10/2014

Sáng 17-10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp mặt thân mật Ðoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ cựu chiến binh Ðoàn tàu Không số - Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Sáng 17-10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp mặt thân mật Ðoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ cựu chiến binh Ðoàn tàu Không số - Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Nhân dịp này, các Anh hùng LLVTND, cán bộ cựu trào Ðoàn tàu Không số - Ðường Hồ Chí Minh trên biển ôn lại truyền thống hào hùng và những chiến công chói lọi của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. 
 
“Bắc Việt có một lực lượng hải quân vô địch”
 
Để tập trung chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, năm 1959 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị: “Tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở đường đưa cán bộ, tiếp tế vũ khí và những hàng cần thiết khác vào miền Nam. Đây là một việc lớn, có tính chất chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay. Với tên gọi “Đoàn tàu Không số”, trong một điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, với sự sáng tạo tài tình, mưu trí, các chiến sĩ đã vận dụng nhiều cách thức đi biển rất linh hoạt, kết hợp cả các yếu tố vừa công khai vừa bí mật để có thể vận chuyển hàng hóa một cách an toàn mà vô cùng hiệu quả, nhằm chi viện kịp thời cho chiến trường tại 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh phía Nam.
 
Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30-4-1975), Đoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng. Trên con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vận tải biển của Hải quân ta đã huy động gần 2.000 lượt tàu, đi hơn bốn triệu hải lý, vận chuyển 80 nghìn lượt người, hơn 150 nghìn tấn vũ khí, đạn dược và hàng trăm nghìn tấn hàng hóa góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển cuộc chiến tranh cách mạng, chi viện cho nhiều chiến trường, nhiều chiến dịch lớn ở miền Nam... Trong các chuyến đi, Đoàn tàu Không số đã phải khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây; chiến đấu với hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu thuyền của địch… Về sự mưu trí, anh dũng, quả cảm của lực lượng Đoàn tàu Không số, chính Mỹ - ngụy phải thừa nhận: “Bắc Việt có một lực lượng hải quân vô địch, tàu thuyền của Bắc Việt có thể đi biển trong bất cứ tình huống nào; khi sóng to gió bão lớn nó mới xuất phát, thủy thủ đoàn được rèn luyện dạn dày kinh nghiệm, thành thạo luồng lạch địa hình. Những chỗ đó hải quân Sài Gòn chưa thành thạo bằng” (Tạp chí “Lướt sóng” của Hải quân ngụy Sài Gòn, số tháng 12/1972).
 
Di tích Tàu Không số tại vịnh Vũng Rô
Di tích Tàu Không số tại vịnh Vũng Rô
 
Sự kiện Vũng Rô
 
Nhắc đến chiến tích của Đoàn tàu Không số, không thể nào quên sự kiện vịnh Vũng Rô (Phú Yên). Lợi dụng các yếu tố thuận lợi của vịnh, Lữ đoàn vận tải 125 Hải quân nhân dân Việt Nam chỉ trong vòng hơn 2 tháng đã chở trót lọt vào bến 3 chuyến tàu:
 
Tàu 41 đi chuyến đầu ngày 16-11-1964, cập bến ngày 5-2 chở theo 43,920 tấn vũ khí.
 
Tàu 41 đi tiếp chuyến thứ hai ngày 21-12, cập bến ngày 31-12 chở theo 46,729 tấn vũ khí.
 
Tàu 41 đi chuyến thứ ba ngày 28-1-1965, cập bến ngày 9-2, chở được 45,951 tấn vũ khí.
 
Trước tình hình  Nam Trung Bộ đang mở liên tiếp nhiều trận đánh lớn, Lữ đoàn 125 quyết định lợi dụng ngày tết âm lịch cho chở tiếp chuyến thứ tư với trọng tải lớn vào Vũng Rô. Đúng ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ, tức ngày 2-2-1965, tàu số 143 khởi hành, với 18 thủy thủ, thuyền trưởng là Lê Văn Thêm, chính ủy là Phan Văn Bảng, chở 63,114 tấn vũ khí. Đến 11 giờ đêm  15-2 tàu vào đến bến Vũng Rô an toàn. Vì khối lượng hàng quá lớn, bốc dỡ gần hết hàng thì trời đã sáng, neo tàu lại hỏng nên phải cho tàu ở lại trong ngày và ngụy trang kỹ bằng cây lá.
 
Cùng khoảng thời gian này, quân ta tại khu V vừa tiến đánh quân ngụy trong trận Đèo Nhông từ ngày 7-2 đến 8-2-1965, gây thiệt hại lớn cho đối phương. Do hậu quả của trận đánh, suốt trong tuần lễ tiếp theo, máy bay tải thương của Mỹ liên tục bay qua khu vực Vũng Rô để chở thương binh về Nha Trang… Ngày 16-2-1965, Trung úy James S. Bowers, trong lúc lái một chiếc máy bay tải thương UH-1B bay dọc đường số 1 ven biển từ Quy Nhơn về Nha Trang đã phát hiện ra "một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô" mà những ngày trước chưa hề thấy. Thực chất đây là tàu không số sau khi dỡ hết hàng, đã neo lại sát vách đá và ngụy trang bằng các cành cây lớn. Viên phi công lập tức báo cáo những gì nhìn thấy cho Bộ tư lệnh Vùng II chiến thuật đóng tại Nha Trang. Không lực địch bay đến kiểm tra. Các máy bay này bắn vào chỗ nghi ngờ. Mọi thứ ngụy trang cháy trụi và toàn thân con tàu lộ ra. Lính ngụy trên đồn Đèo Cả tràn xuống. Các thủy thủ Tàu 143 cùng với các đội du kích Hòa Hiệp đã quả cảm chiến đấu, đồng thời cho điểm hỏa để phá tàu. Nhưng vì Tàu 143 rất lớn, thuốc nổ chỉ có 500kg nên khi cho nổ, tàu không tan xác mà chỉ xẻ làm đôi. Thủy thủ đoàn cùng quân du kích chiến đấu phá vòng vây rồi rút về Trường Sơn, theo đường 559 trở lại miền Bắc. 
 
Bình luận về sự kiện Vũng Rô, Tạp chí Học viện Hải quân Hoa Kỳ, số tháng 5/1971 viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định một điều đáng ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có chứng cớ. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cùng cỡ 7,62mm của đối phương ở những khu vực ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là đối phương còn sử dụng nhiều vị trí khác nữa để nhận hàng chở bằng đường biển từ Bắc Việt vào”…
 
 Bất chấp mưa bom, bão đạn và muôn vàn khó khăn, gian khổ, suốt những hải trình dài, với một niềm tin mãnh liệt vào sự tất thắng của cách mạng, những chuyến tàu không số vẫn ngày đêm chở đầy hàng hóa, vượt biển chi viện cho miền Nam ruột thịt, dệt nên trang sử vàng của Hải quân Nhân dân Việt Nam và góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của đất nước.
 
Qua các cuộc hành trình trên biển của Đoàn tàu Không số, nhiều cán bộ, chiến sỹ Quân đội NDVN đã hy sinh anh dũng, nằm lại giữa lòng biển bao la để bảo vệ an toàn cho đoàn tàu và con đường huyền thoại. Một trong những con tàu không số gắn liền với sự kiện Vũng Rô đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND (ngày 11-1-1973) đã được Quốc hội Nước Việt Nam DCCH tuyên dương: “Tàu 41 là một tập thể trung kiên, nêu cao truyền thống anh hùng của QĐND, bền bỉ chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bình tĩnh dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, mưu trí, táo bạo quyết giành thắng lợi, lập công xuất sắc, xây dựng đơn vị lớn mạnh về mọi mặt”… Đất nước và dân tộc ta sẽ mãi mãi ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, cũng như huyền thoại về Đoàn tàu Không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển - bản hùng ca của sự sáng tạo và ý chí Việt Nam…
 
ĐAN THANH