Ngày 30/9/2014, tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra hội thảo góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tham dự và chủ trì có đại biểu Quốc hội Ya Duck, đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động và thành viên tổ Tư vấn pháp luật.
Ngày 30/9/2014, tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra hội thảo góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tham dự và chủ trì có đại biểu Quốc hội Ya Duck, đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động và thành viên tổ Tư vấn pháp luật.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH tại Lâm Đồng |
Các đại biểu tham dự đã được nghe đại diện Đoàn ĐBQH Lâm Đồng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến và chỉnh lý dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng, lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung điểm b khoản 1 điều 2 vào luật nhằm mở rộng diện an sinh xã hội. Nhóm đối tượng này trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để không thực hiện nghĩa vụ BHXH. Các đại biểu có ý kiến cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.
Có nhiều ý kiến góp ý nên bổ sung nhập điểm b vào điểm a của dự thảo cho phù hợp. Về điều 18 quy định quyền của người lao động, tại khoản 4 dự thảo luật quy định người lao động được hưởng bảo hiểm y tế thì khi đang làm việc, đang thực hiện hợp đồng lao động nếu ốm đau được hưởng bảo hiểm y tế thì quy định như thế nào? Quy định này còn thiếu cần được bổ sung cụ thể. Tại điều 56 quy định mức lương hàng tháng tại khoản a, b là chưa hợp lý, vì nếu quy định như trong luật thì vô hình chung chúng ta công nhận việc kéo dài tuổi làm việc của cả nam và nữ thêm 5 năm nữa. Tại khoản 2 điều 59 cần quy định rõ khái niệm “người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã” bao gồm những chức danh cụ thể nào, thời điểm nào thì được hưởng lương hưu?...
Cùng ngày, các đại biểu cũng đã góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi một số điều đúng Nghị quyết số 45/2013/QH13 của Quốc hội, theo hướng giảm bớt thủ tục, bảo đảm tốt hơn quyền của đương sự, sửa đổi quy định về xác minh, truy tìm tài sản; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án và điều kiện xét miễn, giảm thi hành án dân sự; tăng cường trách nhiệm của tòa án, UBND các cấp trong công tác thi hành án dân sự… Có ý kiến cho rằng, luật quy định người được thi hành án, người phải thi hành án cùng phải chịu các chi phí thi hành án là không công bằng, đề nghị bỏ quy định người được thi hành án phải chịu chi phí này tại các điều 7, 7a, 7b. Về tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên, có ý kiến đề nghị cần phải thông qua thi tuyển, nên bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án, giao cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định và tổ chức việc thi hành án để phát huy tính quyền lực tư pháp…
Các ý kiến đóng góp cho dự án Luật BHXH (sửa đổi)và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ được Thư ký Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổng hợp, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây để tiến hành chỉnh lý dự thảo luật.
NGUYỆT THU