Hà Nội - những mốc son lịch sử

05:10, 12/10/2014

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), Tòa soạn Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu với độc giả một số mốc son lịch sử, hào hùng của Hà Nội trong quá trình Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, giải phóng Thủ đô và Hà Nội trong những năm đánh Mỹ, quá trình xây dựng, trưởng thành… 

LTS: Ngày 10/10/1954 - ngày giải phóng Thủ đô là một mốc son chói lọi, là thắng lợi oanh liệt của quân dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), Tòa soạn Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu với độc giả một số mốc son lịch sử, hào hùng của Hà Nội trong quá trình Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, giải phóng Thủ đô và Hà Nội trong những năm đánh Mỹ, quá trình xây dựng, trưởng thành… 
 
Hà Nội với cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám
 
Đầu năm 1945, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, việc huấn luyện quân sự trong các đơn vị tự vệ chiến đấu ở Hà Nội trở nên cấp bách. Đồng thời, Thành ủy chỉ đạo tiến hành gấp rút công tác điều tra những vị trí quân sự của địch và công tác vận động binh lính địch; thành lập các đội tuyên truyền xung phong, tuyển lựa những người dũng cảm nhất trong các đơn vị tự vệ chiến đấu và tuyên truyền xung phong để đảm nhiệm những nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu.
 
Tháng 4/1945, hội nghị quân sự do Thành ủy triệu tập tại chùa làng Tân, xã Thái Đô (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) đã quyết định đẩy mạnh phát triển tự vệ chiến đấu và tuyên truyền cách mạng, tích cực mua sắm vũ khí, mở các lớp huấn luyện quân sự, nhanh chóng thành lập và mở rộng các hội đoàn thể cứu quốc,… Tháng 8/1945, việc chuẩn bị những điều kiện khởi nghĩa ở Hà Nội đã chín muồi và xuất hiện những điều kiện thuận lợi khách quan, như: ngày 9/8, Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của phát xít Nhật; Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của Nhật Bản (ngày 6 và 9/8), Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (14/8), là động lực quan trọng thúc đẩy để Hà Nội thực hiện việc giành chính quyền. Căn cứ thông báo khẩn cấp của Xứ ủy Bắc Kỳ ngày 13/8 về việc Nhật đầu hàng quân đồng minh, Thành ủy Hà Nội lãnh đạo các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh công tác chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền; chỉ đạo tăng cường và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động ủng hộ Việt Minh, treo cờ, rải truyền đơn đưa tin Nhật đầu hàng, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa…
 
Quán triệt Chỉ thị của Trung ương Đảng: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 16/8 tại nhà số 101, phố Gawmbetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), một cơ sở tin cậy của Việt Minh, đồng chí Nguyễn Khang, cấp tốc phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ về thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, gồm 5 đồng chí: Nguyễn Khang - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) - cán bộ Ban công vận Xứ ủy; Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy; Nguyễn Duy Thân - Thành ủy viên và Lê Trọng Nghĩa - cán bộ Xứ ủy, Bí thư Đảng đoàn Dân chủ đảng. Đồng chí Trần Đình Long được được cử làm Cố vấn cho Ủy ban Quân sự cách mạng, Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi khắp nơi; các đội tuyên truyền xung phong được phái đi tuyên truyền ở vùng ngoại thành. Vận dụng Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương; căn cứ vào những diễn biến mới nhất của tình hình, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phá cuộc mít tinh chiều 17/8 của Tổng hội viên chức, biến nó thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi, vang dội, lôi cuốn hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế cách mạng mạnh mẽ chưa từng thấy. Trước khí thế xung thiên đó, phát xít Nhật bối rối không dám can thiệp, quân đội của chúng đành án binh bất động. 
 
Tối 17/8, Phan Kế Toại - khâm sai đại thần của chính phủ Trần Trọng Kim từ chức. Cũng vào lúc đó, Hội nghị Thành bộ Việt Minh Hà Nội họp ở Cầu Giấy quyết định tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8. Ngay sau đó, mọi công việc chuẩn bị được gấp rút tiến hành: vũ khí được chở tới ngoại thành để phân phát cho các đội tự vệ, các đội tuyên truyền xung phong tỏa đi khắp nơi vận động quần chúng tham gia mít tinh. Trong khi quân Nhật và chính quyền bù nhìn tỏ ra lúng túng thì từ ngày 19/8, hơn 20 vạn người ở khắp nơi từ sáng sớm đã xuống đường đấu tranh, sau đó đổ về Quảng trường Nhà hát lớn (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám) và các phố lân cận. Cuộc mít tinh bắt đầu từ 11 giờ. Các ông Nguyễn Huy Khôi, Lê Trọng Nghĩa thay mặt Việt Minh đọc bản hiệu triệu tổng khởi nghĩa và chương trình của Việt Minh, kêu gọi đồng bào tham gia cướp chính quyền. 
 
12 giờ, cuộc mít tinh biến thành biểu tình, tuần hành thị uy; đoàn người tổ chức chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Sở cảnh sát, trại bảo an. Tuy nhiên, đến 13 giờ, quân Nhật huy động lực lượng và 4 xe tăng vây chặt bốn phía trại bảo an, ép người của đoàn biểu tình dồn hết vào trong trại, nếu không chúng sẽ nổ súng tiêu diệt. Trước tình hình đó, Thành bộ Việt Minh chủ trương huy động ngay số đông lực lượng để uy hiếp tinh thần quân Nhật. Trước sức ép từ phía vòng vây của quần chúng cách mạng, chỉ huy quân Nhật phải hạ lệnh rút lui. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân, Hà Nội được giải phóng và mở ra trang sử mới.
 
Ngày 2/9/1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội thuộc mọi tầng lớp ở nội thành và người các vùng lân cận nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình để chứng kiến một sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước, của dân tộc. Đó là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, long trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Từ thời khắc lịch sử đó, Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
 
(còn nữa)
 
TS (Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)