Tháng 12/1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược ra miền Bắc bởi các nguyên nhân: Để cứu vãn tình thế cho chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn...
[links()]
Một “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại
Tháng 12/1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược ra miền Bắc bởi các nguyên nhân: Để cứu vãn tình thế cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, trước thất bại nặng nề buộc phải tìm cách tháo ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam do sức ép trong nội bộ nước Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến đường lối của Ních-xơn và định lật lọng buộc Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Pari. Nich-xơn sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ II đã ra lệnh bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B.52 mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc…
Từ 19 giờ 45 phút ngày18/12/1972, Mỹ huy động toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, chiến thuật ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, gồm 200 máy bay B.52 và hàng ngàn máy bay các loại để mở chiến dịch tập kích chiến lược đánh phá liên tục, dữ dội hơn 200 điểm ở khắp nội, ngoại thành Hà Nội… Nhưng đế quốc Mỹ đã nhầm, quân dân Hà Nội đã chủ động bước vào cuộc quyết chiến chiến lược với thái độ bình tĩnh, vững vàng và một khí thế quyết chiến, quyết thắng.
Từ phút đầu cuộc chiến, cả bầu trời và mặt đất Thủ đô rung chuyển bởi tiếng pháo, súng các cỡ, các loại của bộ đội tên lửa, không quân, pháo cao xạ và dân quân tự vệ. Ngay đêm đầu tiên, Hà Nội bắn rơi 1 máy bay B.52 và 2 máy bay F4. 3 ngày sau, giặc Mỹ tăng thêm các đợt không kích, điên cuồng đánh phá nhiều nơi ở các khu Hai Bà Trưng, Đống Đa và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh… Các khu vực như: An Dương, Yên Viên, Văn Điển, Gia Lâm, Đông Anh… bị tàn phá nặng nề. Đêm 20/12, các lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô đã có một trận thắng lớn, bắn rơi 5 máy bay B.52. Trước thất bại nặng nề, từ đêm 21, Mỹ phải chùn bước, giảm hẳn mật độ máy bay đánh vào Hà Nội. Ngày 22, chúng dội bom xuống Bệnh viện Bạch Mai, làm 28 người chết và bị thương. Cũng vào đêm 22, ta bắn rơi 1 máy bay F-111.
Ngày 25/12 khi địch tạm ngừng ném bom, ta khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm, tăng cường lực lượng, sẵn sàng bước vào thử thách mới. Đợt ném bom thứ hai của Mỹ diễn ra từ ngày 26, mở đầu vô cùng ác liệt và tàn khốc. Lực lượng máy bay được huy động nhiều và mức độ hủy diệt cũng gấp nhiều lần. Từng đoàn B.52 tập trung ném bom vào hàng chục mục tiêu, trong đó có nhiều khu dân cư đông đúc, điển hình là phố Khâm Thiên giết hại 287 người. Để trừng trị đích đáng tội ác của giặc Mỹ, các lực lượng phòng thủ Thủ đô đã bắn thêm 5 máy bay B.52. Sau trận này, tinh thần giặc lái rất hốt hoảng, chúng buộc phải giảm số lần xuất kích của B.52 và huy động các máy bay cường kích ném bom vào nhiều khu vực ở phía Nam. Đêm 28 và 29, chúng chỉ cho một tốp nhỏ bay vào đánh phá Hà Nội nhưng cũng không thoát khỏi bị trừng trị, ta bắn rơi thêm 3 máy bay B.52 nữa.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, các lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 chiếc B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 2 máy bay F.111 và 5 chiếc chiến thuật. Ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II” ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Pari để bàn việc ký hiệp định.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, quân dân Hà Nội và nhân dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân có quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ. Chiến thắng buộc Mỹ ngày 27/1/1973 phải ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
TS (Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)