Hà Nội trái tim của cả nước, thủ đô anh hùng

03:10, 08/10/2014

Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử, nhân dân Hà Nội, các thế hệ nối tiếp nhau kiên cường đấu tranh, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. 

Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử, nhân dân Hà Nội, các thế hệ nối tiếp nhau kiên cường đấu tranh, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử đó, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, Hà Nội được giải phóng, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
 
Đoàn bộ binh tiến về Thủ đô. Ảnh: Tư liệu
Đoàn bộ binh tiến về Thủ đô. Ảnh: Tư liệu
 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước đang được tận hưởng không khí những ngày hòa bình trên đất nước vừa giành được độc lập, tự do, thì thực dân Pháp được sự ủng hộ của đế quốc Mỹ đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn và tiếp tục cùng với nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
 
 Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân Thủ đô đã chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, bảo vệ gần như nguyên vẹn các nhà máy, xí nghiệp, công sở; đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn. Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng chục nghìn người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng… Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh kháng chiến hùng hậu, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
 
Bước vào thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975); trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi sản xuất; công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến hành cải tạo chuyển sang hình thức công tư hợp doanh; các khu công nghiệp, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi, mạng lưới giao thông, nhiều trường đại học lớn, một số bệnh viện… được cải tạo, xây dựng mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc; sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân được cải thiện. Khi không quân của đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, trực tiếp đánh vào Thủ đô Hà Nội, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và sáng tạo, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt,12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thử thách sau khi chiến tranh kết thúc, lại phải đương đầu với sự chống phá của các thế lực thù địch, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”, dẫn đến đất nước gặp phải muôn vàn khó khăn, lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá; mặt khác, cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc để từng bước đi lên. 
 
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986 đến nay), Hà Nội cùng cả nước quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn từ năm 1986 - 2007 đã đạt được những thành tựu nổi bật: Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và từng bước hiện đại hóa; thu nhập bình quân đầu người tăng cao; triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng không ngừng được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. An ninh - quốc phòng được giữ vững, đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh, quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; nhân dân được sống trong sự yên bình, đó là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, xứng danh là “Thành phố vì hòa bình”. Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Đảng bộ thành phố đã thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác đối ngoại được mở rộng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu; thiết lập mối quan hệ hữu nghị với trên 60 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện chủ trương: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
 
(còn nữa)
 
BAN BIÊN TẬP