Hà Nội trái tim của cả nước, thủ đô anh hùng (tiếp theo và hết)

08:10, 10/10/2014

Từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Vai trò, vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng...

[links()] Từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Vai trò, vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển; các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động thể thao tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đạt được nhiều giải thưởng cao. Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. Lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm; mục tiêu giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,35%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ; kịp thời nhận diện, phát hiện, đấu tranh xử lý các loại tội phạm mới… Thành phố đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác với Thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế; là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; vị thế và vai trò của Thủ đô với các địa phương cả nước, với các nước trong khu vực và trên thế giới được nâng lên. Công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh.
 
 Với những thành tựu đạt được trong 60 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; năm 2000, Chủ tịch nước đã ký bằng tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng”; năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần thứ 3); nhiều tập thể, cá nhân của thành phố cũng được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước…
 
 Sau 60 năm, Hà Nội từ một thành phố mới giải phóng có diện tích 152km2, dân số 430.000, đến nay đã phát triển thành một đô thị lớn với diện tích 3.328km2, dân số hơn 7 triệu và đang vươn lên mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có thêm nguồn lực và cơ hội lớn để phát triển. Đồng thời cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số, các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế chưa cao, văn hóa xã hội phát triển chưa xứng đáng với thủ đô nghìn năm văn hiến… 
 
 Phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình; để xây dựng thủ đô xứng tầm là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học của cả nước, theo Hiến pháp, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra, Thủ đô Hà Nội xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2011 - 2020 là: Phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân để xứng đáng với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố Hà Nội trong thời gian tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, phát triển Thủ đô đến năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; trong đó tập trung vào 2 khâu đột phá là: (1) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
 
 Hà Nội và Lâm Đồng có mối quan hệ hết sức đặc biệt, trong các năm 1977-1984, Hà Nội đã đưa 12.861 hộ với 21.587 nhân khẩu vào khai hoang 4.611ha đất để xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng, biến vùng đất hoang vu trở thành một vùng chuyên canh cà phê, chè, dâu tằm trù phú. Sau 10 năm xây dựng, đến tháng 10 năm 1987, Vùng Kinh tế mới Hà Nội được sáp nhập với 5 xã thuộc huyện Đức Trọng để thành lập huyện Lâm Hà, biểu tượng của sự gắn bó giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Lâm Đồng. Qua hơn 25 năm xây dựng, phát triển, huyện Lâm Hà luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Thủ đô Hà Nội.
 
 Phát huy những thành tựu đạt được trong 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, với bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, truyền thống đoàn kết, giàu tính năng động, sáng tạo; được sự lãnh đạo của Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của các bộ, ban, ngành; sự ủng hộ của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, nhất định thành phố Hà Nội sẽ tranh thủ được thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ đô văn hiến, anh hùng, vì hòa bình.
 
BAN BIÊN TẬP