Quan điểm thứ 3 "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".
[links()]
(Tiếp theo và hết)
... Quan điểm thứ 3 “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Quan điểm này được bổ sung mới so với NQTW5 nhằm khẳng định yếu tố con người luôn giữ vai trò quyết định sự phát triển của một quốc gia, dân tộc; do đó nước nào cũng chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng con người. Vì vậy, việc bổ sung quan điểm này trong NQTW9 là hết sức đúng đắn và kịp thời, khẳng định luận điểm văn hóa phải gắn với con người, con người là nhân tố trung tâm. Đặt ra vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa, bởi: (1) Do mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đang làm tổn hại, thậm chí làm tha hóa một số phẩm chất truyền thống cao quý của con người Việt Nam. Đó là những phẩm chất đã giúp chúng ta vượt qua mọi thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, thực trạng văn hóa nước ta đã xuất hiện một số yếu tố mới tích cực, đồng thời cũng nẩy sinh một số mặt phức tạp, tiêu cực tác động đến nhiệm vụ xây dựng con người, dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội và đang có chiều hướng gia tăng; một số phẩm chất truyền thống giờ đây không còn phù hợp, đang trở thành vật cản của sự phát triển, đòi hỏi có sự thay đổi, bổ sung. (2) Đặt ra yêu cầu xây dựng văn hóa để hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa sẽ khắc phục được tình trạng tách rời yếu tố con người với yếu tố văn hóa. Đồng thời, quan điểm này cũng xác định cụ thể những phẩm chất đặc trưng của con người Việt Nam mà chúng ta phải xây dựng để phù hợp với công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Để xây dựng con người theo quan điểm của Nghị quyết đề ra, trước hết cần có một quan niệm đầy đủ và nhất quán về khái niệm văn hóa, con người làm cơ sở cho việc vừa kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp nhận có chọn lọc để bổ sung, phát triển những tiêu chuẩn, giá trị mới mà người Việt Nam còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập thế giới hiện nay. Thực tế Việt Nam cũng như các nước châu Á chịu ảnh hưởng của Nho giáo cùng với văn minh nông nghiệp lúa nước và tư tưởng tiểu nông nên cần thiết có sự tiếp thu, bổ sung những phẩm chất của nền văn minh đô thị, tác phong công nghiệp để có điều kiện phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận phải có sự chọn lọc hết sức kỹ lượng vừa phù hợp với văn hóa Việt Nam, vừa theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam như lòng yêu nước và tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; sự cần cù, thông minh, sáng tạo; lòng khoan dung độ lượng, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, yêu chuộng hòa bình… được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước cần được trân trọng, phát huy.
Hơn nữa, xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người, con người là yếu tố trung tâm, nhưng vấn đề then chốt trong xây dựng con người là phải xây dựng hệ giá trị mà trong đó vừa giữ gìn, phát huy được những giá trị truyền thống vừa tiếp thu những giá trị mới của con người hiện đại. Con người ngày nay phải là con người có bản lĩnh, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, không a dua, xu nịnh, ngại va chạm, trốn tránh trách nhiệm; có trí tuệ, có tư duy và tác phong khoa học để khắc phục tư tưởng tiểu nông hẹp hòi, thiếu tầm nhìn xa; có tác phong công nghiệp, sống và làm việc theo pháp luật để xây dựng xã hội tiến bộ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Hạt nhân của hệ giá trị con người Việt Nam hướng tới là “con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Quan điểm thứ 4 cũng được bổ sung mới: “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”. Thực ra nội dung quan điểm này không phải là mới mà đã được đề cập ở nhiều văn kiện khác của Đảng trước đây, nhưng so với NQTW5, lần này Trung ương nâng lên thành quan điểm chỉ đạo nhằm nhấn mạnh sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ các yếu tố có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả. Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng môi trường xã hội, mặt trái kinh tế thị trường tác động tiêu cực đến mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người mà Đảng ta đã đề ra. Quan điểm này nêu lên hai luận điểm hết sức quan trọng là “xây dựng môi trường văn hóa” và “giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với văn hóa”.
Nội dung xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa đặc biệt nhấn mạnh vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng con người. Chỉ thị 49 của Ban Bí thư khóa IX đã chỉ rõ “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình Việt Nam với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi hình thành, giữ gìn, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau; sống tình nghĩa, thủy chung; hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động; bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… Đồng thời gia đình còn là nhân tố cấu kết cộng đồng một cách bền chặt. Vượt qua thời gian, mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, nhấn mạnh vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa là hết sức đúng đắn và cần thiết hiện nay, khi mà cấu trúc, quan hệ của gia đình truyền thống và sự cố kết cộng đồng làng xã đang có nguy cơ bị phá vỡ, theo đó môi trường văn hóa - xã hội cũng bị tác động mạnh mẽ.
Luận điểm thứ hai trong quan điểm này là phải thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Trong các văn kiện trước đây của Đảng cũng đã khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, trong kinh tế có văn hóa và văn hóa phục vụ phát triển kinh tế, bản thân văn hóa là một sản phẩm kinh tế; đến NQTW9, vấn đề này được nâng lên thành quan điểm chỉ đạo. Yêu cầu đặt ra là phải lấy con người làm trung tâm trong các chương trình kinh tế, xã hội; xử lý tốt mối quan hệ giữa con người với con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; xử lý hài hòa giữa các mối quan hệ riêng - chung; tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng văn hóa; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững; phát huy ý thức, tinh thần dân tộc để xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Quan điểm thứ 5 “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”. So với NQTW5, Nghị quyết lần này bổ sung thêm vai trò của Nhà nước và nhân dân; sự bổ sung này không chỉ là để nhấn mạnh, đề cao vai trò ở khía cạnh nhận thức mà điều quan trọng là chỉ rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, trong bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này.
NQTW9 đánh dấu một bước tiến mới trong nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Để đảm bảo nhận thức, tư tưởng của Đảng nêu trong Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống một cách thiết thực, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các hội viên học tập, quán triệt một cách nghiêm túc; xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết cụ thể, thiết thực, tập trung khắc phục những yếu kém, bức xúc có lên quan đến lĩnh vực này; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; từ đó, huy động được nhiều nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG