Từ thực tiễn thí điểm "nhất thể hóa" chức danh bí thư và chủ tịch xã

08:10, 31/10/2014

Mô hình "nhất thể hóa" chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã thực hiện thí điểm được gần 5 năm. Trong 5 năm qua, các xã và thị trấn được chọn làm thí điểm đều đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm; kinh tế, xã hội địa phương phát triển và có bước tăng trưởng;…

LTS: Thực hiện Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 2/2/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Thông báo số 223 - TB/TW ngày 24/2/2009 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 25 - HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Ngày 15/6/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 47 - KH/TU để triển khai và chọn 4 đơn vị để thí điểm gồm xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc), xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ việc thí điểm nhất thể hóa hai chức danh này.
 
Kỳ 1: Ghi nhận từ thực tiễn
 
Mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã (viết tắt bí thư - chủ tịch) thực hiện thí điểm được gần 5 năm. Trong 5 năm qua, các xã và thị trấn được chọn làm thí điểm đều đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh (TSVM) hàng năm; kinh tế, xã hội địa phương phát triển và có bước tăng trưởng; an sinh xã hội được ổn định; đảm bảo quốc phòng an ninh; phát huy tốt sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị (HTCT); nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của UBND xã.
 
Điều để khẳng định
 
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Đại Lào, xã được thành lập từ năm 1999, sau khi chia tách ra từ xã Lộc Châu. Đến năm 2007, Đảng bộ xã Đại Lào mới đạt được TSVM. Sau đó, liên tục từ 2011 đến nay, Đảng bộ đều đạt TSVM, bộ máy chính quyền và các đoàn thể của xã đều đạt vững mạnh. Tuy là xã nông nghiệp ở vùng ven của thành phố Bảo Lộc, nhưng nhờ có những cố gắng nỗ lực, kinh tế và xã hội của xã không ngừng được phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,11% (năm 2011), hiện chỉ còn 3,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 22 triệu đồng… 
 
Xã Lộc An là địa bàn dân cư đông, có trên 20 ngàn người, với 16 thôn. “Nhờ nội bộ cán bộ trong xã luôn đoàn kết thống nhất, nên từ năm 2010 - 2014, HTCT luôn vững mạnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 16%; thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 35 triệu đồng (vượt 5% kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,9%. Là xã “điểm” xây dựng nông thôn mới (NTM), Lộc An hiện đã đạt được 18/19 tiêu chí NTM…” - ông Võ Hữu Hỷ - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lộc An, cho chúng tôi biết. 
 
Tuy là địa phương nghèo, xã Hà Lâm được chọn “ưu tiên” xây dựng NTM, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã có những cố gắng, nỗ lực vượt bậc để phát triển trên mọi lĩnh vực. Bà Nguyễn Thị Dưỡng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hà Lâm, trao đổi với chúng tôi: “Do đặc điểm của địa phương, trong giai đoạn hiện tại xây dựng NTM, xã Hà Lâm không xét đến tiêu chí chợ nông thôn và thủy lợi, nên hiện nay, xã đã cơ bản đạt được 16/17 tiêu chí NTM và đang tiếp tục phấn đấu đạt xã NTM vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng (năm 2010) lên 29 triệu đồng (năm 2014) và xã hiện chỉ còn 7 hộ nghèo, chiếm hơn 0,8%. Từ 2011 đến nay, Đảng bộ xã liên tục đạt TSVM, bộ máy chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng của xã đều vững mạnh”. 
 
Tương tự như 3 xã nói trên, thị trấn Đạ Tẻh được chọn làm thí điểm triển khai nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch từ tháng 9/2009. Từ đó đến nay, nhịp độ phát triển về mọi mặt của thị trấn thể hiện khá rõ nét. Đặc biệt, theo ông Vũ Duy Hạ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh: “Trong 4 năm liên tục (từ 2010 - 2013), Đảng bộ thị trấn Đạ Tẻh đạt TSVM tiêu biểu”.  
 
Kết quả và bài học từ thực tiễn 
 
Ông Trương Thái Anh Quốc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh, cho biết: “Qua gần 5 năm thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư - chủ tịch, thị trấn Đạ Tẻh đã tạo bước “đột phá” trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện cao hơn; quyết định, điều hành công việc nhanh hơn, sát hơn, tập trung hơn; tránh tư tưởng ỷ lại, đùn đẩy hoặc bị đánh giá là “lấn sân” hoặc buông lỏng quản lý. Bộ máy tổ chức tinh gọn; sự lãnh đạo, điều hành được thông suốt, ít tầng nấc trung gian. Việc điều hành, kiểm tra, giám sát công việc khối chính quyền được thuận lợi hơn; giải quyết công việc nhanh chóng, chủ động, kịp thời, đáp ứng được một trong những yêu cầu cải cách hành chính…”. Ngoài ra, từ khi thực hiện mô hình nhất thể hóa, ông Vũ Duy Hạ, cho biết thêm: “Để triển khai công việc, ở thị trấn Đạ Tẻh đã giảm bớt một số cuộc họp, vì có thể kết hợp họp chung, không nhất thiết phải họp riêng (chỉ trừ họp nội bộ Đảng hay UBND hoặc Mặt trận, các đoàn thể). 
 
Qua tìm hiểu tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Đạ Huoai thì bài học và kết quả rút ra từ thực tiễn cũng tương tự như Đạ Tẻh. Ngoài ra, ông Dương Kim Viên - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bảo Lộc, cho rằng: Tại xã Đại Lào, khi bí thư kiêm chủ tịch thì có sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý, điều hành; khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Khi nhất thể hóa 2 chức danh, thì việc xây dựng và ra nghị quyết của cấp ủy có tính khả thi hơn; công việc giải quyết tập trung vào một “đầu mối”, giảm hẳn thời gian chờ đợi vì khắc phục được tình trạng “báo cáo xin ý kiến” hoặc “chờ chủ trương”… Mặt khác, với góc nhìn khách quan từ thực tiễn tại địa phương mình, ông Nguyễn Trung Tấn - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Lộc An, cho chúng tôi biết: “Thực hiện mô hình nhất thể hóa, từ chỉ đạo đến tổ chức, điều hành tại xã Lộc An được triển khai làm nhanh. Người đứng đầu có vai trò quan trọng là vừa quyết định chủ trương, vừa thực thi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm, nên không thể đổ “lỗi” cho người khác”. Và hơn ai hết, là người trong cuộc, từ thực tế đã làm, ông Võ Hữu Hỷ - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lộc An, chia sẻ với chúng tôi: “Do áp lực công việc ở cấp xã quá lớn, trong khi đi họp lại quá nhiều; do đó, đòi hỏi người bí thư - chủ tịch phải đáp ứng cả về năng lực công tác, về phẩm chất đạo đức và sự nhiệt tình, tận tụy với công việc. Mặt khác, vai trò của cấp phó (các phó bí thư và phó chủ tịch) cũng hết sức quan trọng, phải được đào tạo, phải cộng đồng gánh vác trách nhiệm, trên cơ sở phải có quy chế phân công công việc cụ thể, rạch ròi để tránh tình trạng người đứng đầu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. 
 
Kỳ 2: Nên chăng tiếp tục duy trì mô hình
 
BÙI TRƯỞNG