Xây dựng, phát triển văn hóa, con người - "sức mạnh mềm", sức mạnh nội sinh

09:10, 16/10/2014

Hiện nay, người ta thường nói đến "Sức mạnh mềm" của văn hóa, mà thực chất là sức mạnh thông qua tư tưởng, đạo đức, ý chí, năng lực,… của con người. Đối với Việt Nam, sức mạnh ấy được hun đúc, bảo tồn, phát huy qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã trở thành vốn quý của dân tộc.

Hiện nay, người ta thường nói đến “Sức mạnh mềm” của văn hóa, mà thực chất là sức mạnh thông qua tư tưởng, đạo đức, ý chí, năng lực,… của con người. Đối với Việt Nam, sức mạnh ấy được hun đúc, bảo tồn, phát huy qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã trở thành vốn quý của dân tộc. Thực tế lịch sử dân tộc ta chứng minh, mặc dù đất nước bị xâm lăng nhưng nhờ có sức mạnh của con người, của văn hóa dân tộc nên đã chống lại được sự đồng hóa văn hóa của kẻ thù. Cũng chính từ nền văn hóa Việt Nam, từ con người Việt Nam với những đặc trưng cao quý đã tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh chiến thắng quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó chính là điều lý giải vì sao Việt Nam đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong điều kiện quá chênh lệch nhau về sức mạnh vật chất. Giờ đây, hơn bao giờ hết, khi đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, thì vấn đề xây dựng văn hóa, xây dựng con người nhằm phát huy “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh của dân tộc lại càng trở nên quan trọng và bức thiết.
 
Nói văn hóa, con người là “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh chỉ có được đối với những nền văn hóa, con người chứa đựng những giá trị đặc trưng tiêu biểu, nổi trội. Do đó, để làm nên “sức mạnh mềm” thì yếu tố văn hóa giữ vai trò quan trọng mà trong văn hóa thì con người là trung tâm, là yếu tố làm tăng cường sức mạnh mềm của một quốc gia. Cho nên, qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng ta một lần nữa nhận thức đầy đủ, rõ nét hơn và khẳng định vai trò to lớn của yếu tố con người trong xây dựng và phát triển văn hóa. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã đưa thêm từ “con người” vào sau từ “văn hóa” để nhấn mạnh trọng tâm, cốt lõi của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng con người với nhân cách và lối sống tốt đẹp. 
 
Để sức mạnh nội sinh của dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường, vấn đề quan trọng nhất cần phải quan tâm, chú trọng là “xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Con người Việt Nam từ xưa đã có nhiều phẩm chất đáng quý như chủ nghĩa yêu nước, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đức tính hiếu hòa, yêu chuộng hòa bình, cần cù, thông minh, sáng tạo… Nhưng trong giai đoạn hiện nay, không ít phẩm chất tốt đẹp trước kia không còn phù hợp, hoặc bộc lộ mặt trái như: tính đoàn kết cộng đồng làng xã kéo theo tư tưởng cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi, không muốn người khác hơn mình, không khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân, coi trọng duy trì tính ổn định hơn là sáng tạo để tạo ra sự phát triển đột biến; dân chủ làng xã tạo nên “phép vua thua lệ làng” coi nhẹ luật pháp; tư tưởng trọng tình nghĩa dẫn đến tính nể nang. Bởi vậy, chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ bắt đầu từ việc khắc phục những thói hư tật xấu, đồng thời  tiếp nhận những phẩm chất mới phù hợp nhằm tập trung xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện đại, văn minh. Con người ngày nay phải là con người có bản lĩnh để dám mạnh dạn đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân; không a dua, dựa dẫm làm theo, tranh công, đổ lỗi trách nhiệm cho người khác; có trí tuệ hiểu biết và tư duy khoa học để khắc phục tư tưởng hẹp hòi, thiếu tầm nhìn xa; có tác phong công nghiệp, sống và làm việc theo pháp luật… để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
Vấn đề quan trọng là phải thay đổi một cách căn bản, có hệ thống từ khâu giáo dục trong gia đình, nhà trường, đến việc đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, quản lý xã hội… nhằm khắc phục triệt để những bất cập hiện nay. Trong gia đình, phải thay đổi cách dạy áp đặt, bắt con cái phải ngoan, nhất nhất vâng lời cha mẹ, người lớn; không được trái điều cha mẹ yêu cầu bằng cách dạy con tính tự lập, tôn trọng, đề cao phát huy vai trò, bản lĩnh cá nhân. Giáo dục - đào tạo ở trường học cần chuyển từ yêu cầu học thuộc bài, làm bài theo mẫu, theo các dạng, chuyển sang khuyến khích học trò phát huy trí thông minh, tìm tòi, sáng tạo. Lãnh đạo, quản lý xã hội phải thay thói quen yêu cầu cấp dưới tin tưởng “tuyệt đối” vào cấp trên, tuân thủ một chiều, thích sử dụng người dễ sai khiến, bằng cách phát huy tính dân chủ, chính kiến cá nhân. Cha mẹ, nhà trường, xã hội tuyệt đối phải xóa bỏ lối “bao cấp tư duy”, suy nghĩ thay, làm thay người khác, dẫn đến những kẻ dựa dẫm, cơ hội, xu nịnh được trọng dụng còn những người thông minh, sắc sảo, trung thực, thẳng thắn, có bản lĩnh không được phát huy, thậm chí còn bị trù dập. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích đáng với những tập thể, cá nhân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, chấp nhận thất bại để có thành công… nhằm tạo môi trường, cơ hội để phát huy khả năng sáng tạo của mọi người.
 
Trong xây dựng con người, vấn đề then chốt là xây dựng hệ giá trị - một hệ giá trị cho phép vừa giữ gìn bản sắc dân tộc vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng con người hướng vào hình thành những phẩm chất mà người Việt Nam còn thiếu, đó là: Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; tôn trọng và biết nhường nhịn trên dưới; đề cao bản lĩnh cá nhân nhưng không cá nhân ích kỷ mà có tinh thần cộng đồng xã hội, quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, luôn có tinh thần vì xã hội, vì mọi người… Đồng thời, tích cực chống lại các thói hư tật xấu, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… làm xói mòn giá trị văn hóa Việt Nam; ra sức rèn luyện bản lĩnh, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, không bị tác động bởi tiêu cực xã hội; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và bồi đắp giá trị văn hóa, giao tiếp, ứng xử đúng mực với đồng chí, đồng đội và với nhân dân; tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động... Đó chính là cốt lõi của văn hóa văn minh, nền tảng bền vững của phát triển.
 
BAN BIÊN TẬP