Cả cuộc đời của Bác Hồ đều thể hiện rất rõ trách nhiệm với dân, với nước. Và ở Di chúc của Người, điều ấy lại càng được thể hiện rất rõ ở tầm cao mới. Những lời dặn dò cuối cùng của Bác trong Di chúc thực sự là một văn kiện mang tính cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất;
Cả cuộc đời của Bác Hồ đều thể hiện rất rõ trách nhiệm với dân, với nước. Và ở Di chúc của Người, điều ấy lại càng được thể hiện rất rõ ở tầm cao mới. Những lời dặn dò cuối cùng của Bác trong Di chúc thực sự là một văn kiện mang tính cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất; đồng thời Di chúc còn là một tác phẩm kết tinh những giá trị đạo đức của Bác Hồ, trong đó lời dặn dò đầu tiên là Bác viết về Đảng - TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG.
Vì sao Bác lại đặt vấn đề: Trước hết nói về Đảng? Đây không phải lần đầu tiên Bác dùng từ “Trước hết” khi nói về Đảng. Ngay từ những năm 1925 - 1927, khi Bác mở các lớp huấn luyện những thanh niên yêu nước Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác đã phân tích và kết luận: để giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp thì dân tộc Việt Nam phải đứng lên làm cách mạng; cách mạng Việt Nam là tất yếu, cách mạng là sống, không cách mạng là chết. Song cách mạng muốn thành công, Bác nhấn mạnh, trước hết phải có Đảng cách mệnh. Lịch sử cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đã chứng minh: Đảng luôn luôn là yếu tố tiên quyết. Cách mạng thành công hay thoái trào, đất nước hưng thịnh hay khó khăn, trước hết là phải xem xét lại Đảng, trước hết là phải phát huy vai trò của Đảng. Vì vậy, trong Di chúc, Bác viết: “Trước hết nói về Đảng” cũng là nói đến yếu tố bảo đảm, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cả trong cả 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khi “Trước hết nói về Đảng”, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Như vậy, Người đã khẳng định: vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là yếu tố xuất phát từ sự đoàn kết trong Đảng. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ…” mà “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người còn căn dặn: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Đoàn kết trong Đảng có mối quan hệ chặt chẽ không chỉ tới sự thống nhất và vững mạnh của Đảng mà còn quan hệ tới sự thống nhất và hưng thịnh của giai cấp, của đất nước. Chính vì vậy, trong Di chúc, Bác yêu cầu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nếu thực sự thấu hiểu, nếu thực sự toàn tâm, toàn ý học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ thì chúng ta không thể không xấu hổ khi trong Đảng nơi này nơi khác, lúc này lúc khác vẫn còn tình trạng mất đoàn kết, không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến vai trò lãnh đạo, tính tiên phong của Đảng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Để thực hiện sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Bác viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ mở rộng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Bác yêu cầu, phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình như công việc rửa mặt hằng ngày như chúng ta cần không khí vậy. Nếu không làm được như thế thì Đảng không thể trong sạch vững mạnh. Đồng thời Bác còn căn dặn: mục tiêu của tự phê bình và phê bình là làm cho Đảng đoàn kết thành một khối, không thể biến vũ khí tự phê bình và phê bình thành vũ khí sát phạt nhau. Và Bác nhấn mạnh, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong tự phê bình và phê bình, Người còn căn dặn: “Phải có tình đồng chí yêu thương nhau”. Tự phê bình và nhất là phê bình mà không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì dễ dẫn đến sát phạt nhau, làm phương hại đến đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau chính là tình cảm giai cấp và đồng chí thiêng liêng trong Đảng, là một nhân tố quan trọng để đoàn kết. Và cả cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng về việc tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí yêu thương nhau.
Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền - bước chuyển quan trọng trong hoạt động và sinh hoạt Đảng, có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, thì Bác đã nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức.
Vì sao Bác đặt vấn đề đạo đức cách mạng khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền? Về mặt bản chất, dù khi Đảng ta chưa có chính quyền cũng như khi Đảng ta có chính quyền thì Đảng ta vẫn là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Bản chất ấy của Đảng ta không bao giờ thay đổi. Nhưng khi Đảng ta cầm quyền, tức là Đảng ta có công cụ là chính quyền thì phải làm sao phát huy được vai trò của chính quyền, thông qua chính quyền để tổ chức, quản lý xã hội. Bao biện làm thay, can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền chẳng những làm vô hiệu hóa, làm suy yếu chính quyền mà còn làm suy yếu chính vai trò lãnh đạo của Đảng.
Mặt khác, khi Đảng ta cầm quyền thì cán bộ, đảng viên cũng có chức, có quyền khác hẳn với thời kỳ Đảng chưa có chính quyền. Lúc đó, cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, không gắn bó với dân thì không được dân nuôi nấng, đùm bọc và không được dân ủng hộ, bảo vệ do đó không thể hoạt động cách mạng được. Nay, Đảng cầm quyền, tức là đảng viên có chức, có quyền (và tất nhiên, có lợi), nếu không xác định rõ “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” thì rất dễ dẫn đến xa dân mà xa dân, theo quan niệm của Bác thì trước, sau gì cũng sẽ thất bại. Như vậy, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Là người đầy tớ thì phải tận tụy, phải trung thành, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Là người lãnh đạo thì phải minh mẫn, sáng suốt, phải trí tuệ. Rõ ràng là trong điều kiện Đảng cầm quyền, người cán bộ, đảng viên đứng trước yêu cầu “hiền” và “tài” rất lớn, rất cao: phải vừa có trình độ và năng lực vượt trội lên, vừa phải có đạo đức cách mạng hết sức trong sáng. Tất cả những yêu cầu đó đều phải tự bản thân mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên rèn luyện tu dưỡng cùng với sự theo dõi, giúp đỡ của tập thể tổ chức Đảng.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn, một chiến sỹ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Những dòng Bác viết “Trước hết nói về Đảng” vẫn là những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản của Bác đã làm nên một Đảng - Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng “đạo đức” và “văn minh”, mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
NGUYỄN VĂN MÃO