Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của đất nước, dân tộc. Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, thời gian qua, trong Đảng đã ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, hòng tìm, lựa chọn được những cán bộ thật sự có năng lực, trách nhiệm, uy tín, đạo đức để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của đất nước, dân tộc. Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, thời gian qua, trong Đảng đã ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, hòng tìm, lựa chọn được những cán bộ thật sự có năng lực, trách nhiệm, uy tín, đạo đức để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hay như Quy định về phân cấp quản lý cán bộ cũng khẳng định “Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ đều do tập thể cấp ủy và tổ chức Đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số”. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy định về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta rất nhiều và xét theo góc độ nào đó thì quy định như vậy là chặt chẽ, rất đúng và rất hiệu quả nếu thực hiện đảm bảo quy trình. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, kể cả ở Trung ương lẫn địa phương, cơ sở đôi khi có những nhầm lẫn đáng kể trong việc lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã nhận thấy những thiếu sót trong công tác cán bộ thời gian qua nên nhận định “Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hụt hẫng, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”. Và trên thực tế, một số cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, có uy tín thì không được xem xét, bố trí đảm nhiệm công việc phù hợp…
Nhiệm kỳ 2010-2015 sắp hết, một nhiệm kỳ mới sắp sửa bắt đầu. Khi tiến hành tổ chức đại hội Đảng, có rất nhiều công việc phải chuẩn bị, nhưng tựu trung lại có hai việc lớn nhất, đó là chuẩn bị nội dung và chuẩn bị nhân sự đại hội. Nội dung đại hội chủ yếu là công tác chuẩn bị văn kiện đại hội, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu cho tổ chức Đảng trong 5 năm sắp tới. Vấn đề được chú ý nhất và thu hút dư luận nhiều nhất vẫn là chuyện “vào ra” cấp ủy. Điều đó chứng tỏ công tác nhân sự quan trọng thế nào!
Lựa chọn được những người đủ “Tâm - Tầm”, gánh vác được chuyện đại sự, lèo lái, dẫn dắt đất nước vượt qua những khó khăn, phức tạp khôn lường như hiện nay không phải là chuyện dễ. Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chỉ thị 36-CT/TW, ngày 8/7/2014 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ tiêu chuẩn của cấp ủy viên các cấp, bên cạnh tiêu chuẩn tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân thì cũng cần phải nhấn mạnh đến năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng và nhân dân, có phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quan trọng là không tham ô, tham nhũng. Nhìn chung, yêu cầu và đòi hỏi với cán bộ cấp ủy là rất cao. Điều đó là rất đúng và rất cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đảng và nhân dân rất cần những người lãnh đạo như vậy. Vấn đề là ở khâu thực hiện chủ trương, quan điểm đó như thế nào?
Cổ nhân đã từng nói “dụng nhân như dụng mộc”. Nếu biết lựa chọn đúng người, đặt họ vào đúng vị trí, đúng sở trường của từng cá nhân thì công tác cán bộ sẽ phát huy được hiệu quả. Ngược lại, lựa chọn sai (có thể do vô tình hoặc cũng do cố ý) thì không những làm thui chột khả năng của cán bộ mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức. Chợt nhớ tới lời dạy của cụ Lê Quý Đôn “Tôn tài thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại nguy, tôn lộc thì đại suy” mà đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội Đảng sắp tới sẽ lựa chọn được nhiều nhân tài gánh vác trọng trách của quốc gia, của địa phương.
Đỗ Khanh