Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 28/12/1989 và tại kỳ họp thứ 5, ngày 12/6/1999, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Luật Báo chí đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, qua hơn 15 năm thi hành, Luật Báo chí đã phát huy tác dụng tích cực, tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam phát triển cả về số lượng ấn phẩm, loại hình báo chí và chất lượng thông tin, góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định. Hiểu rõ về quyền được thông tin, người dân đã phát huy tinh thần làm chủ qua việc thực hiện quyền kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo; được phản hồi thông tin không chính xác theo quy định pháp lý. Báo chí cũng đã thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát xã hội, kịp thời đề xuất xây dựng và chỉnh sửa chính sách, pháp luật...
Tính đến 31/12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, trong đó có 199 cơ quan báo in và 639 tạp chí, chiếm 76%. Hàng năm, số lượng bản báo được phát hành ở nước ta khoảng hơn 650 triệu bản, bình quân có trên 7,22 bản/người/năm. Về báo điện tử, có 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Về phát thanh truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình; 179 kênh truyền hình quảng bá; 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh trên hệ thống truyền hình trả tiền...
Năm 1999 cả nước chỉ có 8.000 nhà báo được cấp thẻ thì đến nay đã có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.
|
Tuy nhiên, thực tế việc thi hành Luật Báo chí vẫn còn nhiều hạn chế: một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, né tránh, tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp còn cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, thậm chí có trường hợp phóng viên còn bị hành hung. Mặc dù nhiều hành vi cản trở tác nghiệp báo chí đã bị xử lý nghiêm nhưng cũng có trường hợp việc xử lý chưa thỏa đáng gây bất bình trong dư luận, nhất là trong giới báo chí. Bên cạnh những ưu điểm, thành tích hoạt động, báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí còn một số hạn chế, bất cập như: nhiều về số lượng cơ quan báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng cá nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học… Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên. Quy trình duyệt bài chưa được coi trọng và thực hiện thiếu nghiêm túc, cá biệt có trường hợp không qua thẩm định, xác minh dẫn đến một số cơ quan báo chí đưa thông tin sai, thậm chí vi phạm pháp luật. Thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài quy định của Luật Báo chí hiện hành. Yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, tinh thần Hiến pháp 2013 cũng đòi hỏi rà soát, sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp luật để báo chí cách mạng Việt Nam có điều kiện phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí đã có nhiều ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện Luật Báo Chí và đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Báo chí sắp tới. Đa số ý kiến đã tập trung vào một số vấn đề chính như: Quy hoạch báo chí, việc cung cấp thông tin cho báo chí, vấn đề bảo đảm tài chính chi tiêu, nhân lực quản lý, bảo đảm an toàn cho nhà báo... Nhiều vấn đề mới của đời sống báo chí được đặt ra như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, mô hình tập đoàn truyền thông; vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí; vấn đề tài chính đối với cơ quan báo chí; vai trò cơ quan chủ quản, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí; chức năng giám sát, phản biện của báo chí… Từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ðảng và các quy định khác của pháp luật. Ðặc biệt, góp ý cho luật sửa đổi, đại diện nhiều cơ quan báo chí nhấn mạnh cần có quy định, chế tài cụ thể xử phạt cơ quan không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí. Cho tới nay, chưa có quy định cụ thể, chi tiết nào về việc xử phạt những cơ quan hay cá nhân không cung cấp thông tin cho báo chí theo luật định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Báo chí cần đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ đất nước; để nhân dân thông qua báo chí, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ. Trên tinh thần đó, trong quá trình soạn dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông cần huy động sự tham gia của đông đảo những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo, trong thời gian tới cần bám sát các quy định của Hiến pháp 2013. Một yêu cầu xuyên suốt khác là phải thể chế hóa tốt hơn, cụ thể hóa, chi tiết hóa tốt hơn các quan điểm của Đảng về công tác báo chí. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động theo pháp luật, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí. Xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để báo chí phát triển.
LAN HỒ