Mặt trận Tổ quốc - nơi khởi nguồn, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

09:11, 21/11/2014

Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã cho thấy thời kỳ nào mà nhân dân đoàn kết trên dưới một lòng thì đất nước ổn định và phát triển thịnh vượng; ngược lại thì xã hội sẽ mâu thuẫn, rối ren, lòng dân ly tán, đất nước suy vi, kẻ thù rình rập, dẫn đến nguy cơ mất nước. Rõ ràng rằng, suốt cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết luôn là cội nguồn sức mạnh bảo đảm mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã cho thấy thời kỳ nào mà nhân dân đoàn kết trên dưới một lòng thì đất nước ổn định và phát triển thịnh vượng; ngược lại thì xã hội sẽ mâu thuẫn, rối ren, lòng dân ly tán, đất nước suy vi, kẻ thù rình rập, dẫn đến nguy cơ mất nước. Rõ ràng rằng, suốt cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết luôn là cội nguồn sức mạnh bảo đảm mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam.
 
Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Quá trình dựng nước và giữ nước đã cố kết con người Việt Nam thành một khối thống nhất và sự đoàn kết thống nhất các dân tộc đã trở thành sức mạnh tiềm năng, là quy luật tồn vong và phát triển của dân tộc ta. Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam được hình thành từ cội nguồn lịch sử sâu xa; đó là cùng chung một Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, trăm con; cùng một Vua Hùng có công dựng nước và có ngày giỗ Tổ Hùng Vương,... Yêu nước của người Việt Nam xuất phát từ tình cảm cộng đồng “làng”, từ tình ruột thịt, nghĩa đồng bào…phát triển thành tư tưởng và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chính chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do là cơ sở vững chắc của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ông cha ta đều lấy mẫu số chung là đoàn kết tất cả các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam để tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân tộc. 
 
Kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc, từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị, đồng thời ra “Án nghị quyết về vấn đề phản đế”. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh. Đó là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạnh, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có những hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ, như: Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương; Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế; Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh; Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam; từ tháng 3/1951, lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội 10/9/1955 đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ, “Thống nhất tổ quốc!” . Ngày 20/4/1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời, mục đích là đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm mặt trận chống Mỹ cứu nước. Sau khi thống nhất đất nước, từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, tại Hội trường Thống Nhất, thành phố HCM, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức mặt trận ở hai miền thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy mỗi thời kỳ cách mạng tổ chức Mặt trận có tên gọi khác nhau nhưng đều nhằm mục đích xây dựng, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh để hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Điểm qua các hình thức, tên gọi của tổ chức Mặt trận, chúng ta nhận thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức được Đảng ta thành lập từ rất sớm, lịch sử của Mặt trận được gắn liền với lịch sử của Đảng, của dân tộc, luôn đồng hành cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Việc tên gọi của tổ chức Mặt trận được thay đổi qua mỗi thời kỳ cách mạng cho phù hợp với nhiệm vụ đặt ra, nhằm mục đích toàn kết, tập hợp ngày càng rộng rãi các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, góp phần phát triển lực lượng, đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, luôn là một tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt của Đảng; tôn chỉ, mục đích chính trị không thay đổi, thực sự là một tổ chức, một ngôi nhà chung của đại đoàn kết các dân tộc; là tổ chức tập hợp, phát triển và phát huy sức mạnh Việt Nam, được Đảng tin tưởng và nhân dân yêu quý.
 
Sự ra đời và không ngừng phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là kết quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta; Người nhận thức rõ sức mạnh đoàn kết của toàn dân phải bắt đầu từ dân, có dân thì có tất cả. Ngay từ đầu của sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng, toàn dân đồng tâm, hiệp lực thì nhất định chiến thắng”. Từ lý luận và thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết thành một chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đoàn kết luôn gắn liền với thắng lợi.
 
Tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn luôn xác định trách nhiệm lớn lao là phải kế thừa, phát huy và không ngừng phát triển truyền thống về Đại đoàn kết toàn dân tộc và coi đây là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong gần 80 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ, tạo thành sức mạnh vĩ đại; làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; trường kỳ, gian khổ, kiên cường suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho đất nước; thực hiện công cuộc đổi mới đất nước giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử…
 
Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì hạnh phúc của nhân dân, quan điểm về đại đoàn kết các dân tộc của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng ta coi trọng và đề cao. Điều này được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán trong Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội Đảng. Hiện nay, việc thực hiện đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển” đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân coi trọng và tích cực triển khai thực hiện; vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, làm thất bại âm mưu chống phá của kẻ thù, vừa góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết lên một tầm cao mới.
 
Phát huy truyền thống dân tộc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta không ngừng xây dựng Mặt trận Tổ quốc lớn mạnh, đủ uy tín và khả năng phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực thù địch có âm mưu và hành động phá hoại sự đoàn kết; từ đó củng cố, tăng cường hơn nữa sự thống nhất trong Đảng, đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân và đoàn kết mọi người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước, tạo thành một khối thống nhất vững chắc để tiếp tục đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh và bền vững.
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG