(LĐ online) - Chiều 11/11/2014, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với lãnh đạo một số sở, ngành trong tỉnh đã đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Đạ Quay (thuộc xóm Bình Thạnh, thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai) và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án hồ thủy lợi Đạ Lây (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh).
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Đạ Quay (xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai) |
Theo báo cáo, tình hình sạt lở tại bờ sông Đạ Quay đã diễn ra trong nhiều năm qua. Hiện nay, hơn 7ha đất sản xuất của 27 hộ dân bị nước sông cuốn trôi. Khu vực sạt lở có chiều rộng khoảng 100m và chiều dài khoảng 500m. Hộ ít nhất có diện tích đất bị cuốn trôi là 1 sào và nhiều nhất là 1ha. Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Yên khẳng định tình trạng sạt lở bờ sông là nghiêm trọng và cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Trước mắt, các ngành chức năng của tỉnh cùng với chính quyền địa phương cần nhanh chóng khơi thông và nắn lại dòng chảy, nạo vét lòng sông để hạn chế và khắc phục tình trạng sạt lở. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cũng lưu ý địa phương cần rà soát lại những hộ bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho phù hợp. Đối với những hộ bị sạt lở nghiêm trọng, không còn đất sản xuất, huyện cần quan tâm bố trí đất để ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại buổi làm việc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án hồ thủy lợi Đạ Lây |
Tại huyện Đạ Tẻh, Dự án hồ thủy lợi Đạ Lây được triển khai từ năm 2009 từ nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án triển khai chậm tiến độ. Sau khi điều chỉnh dự toán vào năm 2014, tổng kinh phí để triển khai giai đoạn 1 của dự án (cụm đập đầu mối) là 246 tỷ đồng (nguồn vốn này trước đây dự toán triển khai toàn bộ dự án). Từ đầu năm 2014, vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ cho dự án 50 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 30 tỷ đồng dành cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới cấp được 6,7 tỷ đồng. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đại diện các xã có đất liên quan đến dự án nêu ra là nguồn gốc đất không rõ ràng; hệ số định giá đất chênh lệch lớn giữa các vùng; chế độ hỗ trợ theo quy định mới chưa thể thực hiện… Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Yên đã phê bình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chủ đầu tư dự án) vì để dự án chậm triển khai; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng rà soát các thủ tục cần thiết để lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu và mở thầu; rà soát mọi vấn đề liên quan đến giải ngân nguồn vốn để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đối với các địa phương liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, ông Yên yêu cầu 2 huyện thực hiện trước việc đền bù hoa màu và vật kiến trúc. Đối với những diện tích đã phê duyệt đền bù, huyện cần nhanh chóng giải ngân cho dân. Những diện tích chưa có phương án đền bù thì cần lên phương án đền bù, hỗ trợ cho phù hợp với từng hộ dân. Thời gian là trong tháng 11/2014 phải hoàn thành phương án đền bù; tháng 12, phải công khai cho dân và tiến hành chi trả đền bù.