Từ thực tiễn thí điểm "nhất thể hóa" chức danh bí thư và chủ tịch xã (tiếp theo)

04:11, 02/11/2014

Nếu không tiếp tục duy trì và nhân rộng việc thực hiện mô hình nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch xã thì không có gì phải bàn. Tuy nhiên, qua thí điểm, các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn là mong muốn kiến nghị cấp trên nên tiếp tục duy trì mô hình và chỉ có thể nhân rộng khi lựa chọn được xã, phường, thị trấn hội đủ các điều kiện "cần và đủ".

Kỳ 2: Nên chăng tiếp tục duy trì mô hình
 
[links(right)] Nếu không tiếp tục duy trì và nhân rộng việc thực hiện mô hình nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch xã thì không có gì phải bàn. Tuy nhiên, qua thí điểm, các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn là mong muốn kiến nghị cấp trên nên tiếp tục duy trì mô hình và chỉ có thể nhân rộng khi lựa chọn được xã, phường, thị trấn hội đủ các điều kiện “cần và đủ”.
 
Việc duy trì mô hình 
 
Trong những năm trước đây, Huyện ủy Bảo Lâm cũng đã triển khai “nhất thể hóa” chức danh bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã tại các xã Lộc Quảng, B’Lá, Lộc Phú và thị trấn Lộc Thắng. Bên cạnh mặt tích cực, thuận lợi của mô hình này, thực tế đã phát sinh những hạn chế, khó khăn, nên hiện nay, những địa phương này không còn thực hiện nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch nữa. Riêng xã Lộc An được Tỉnh ủy chọn làm mô hình thí điểm nhất thể hóa 2 chức danh, việc tổ chức triển khai của địa phương có sự quyết tâm và “quyết liệt” hơn, nên kết quả đạt được cũng rất khả quan. Theo Thường trực Huyện ủy Bảo Lâm, trong khóa mới tới đây, việc tiếp tục duy trì mô hình này hay không, phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Đối với xã Lộc An, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng một số cán bộ và người dân cho rằng: “Tiếp tục duy trì mô hình nhất thể hóa 2 chức danh cũng được và tách riêng cũng được. Vì hình thức nào cũng có cái thuận lợi của nó”. Bà Trịnh Thị Vân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và ông Hứa Nam Phụ - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã, cho biết chính kiến của mình: “Mô hình nhất thể hóa có rất nhiều ưu điểm; nói được, làm được và chịu trách nhiệm với công việc, không đổ thừa cho ai cả. Tuy nhiên, do công việc của bí thư - chủ tịch quá nặng nề; nếu tách riêng thì cũng tốt”. 
 
Đối với xã Hà Lâm, qua thí điểm mô hình, Đảng bộ và UBND xã ghi nhận vai trò của Bí thư - Chủ tịch xã đương nhiệm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dưỡng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, cho rằng: “Vai trò của cấp phó gánh vác công việc được phân công cũng rất nặng nề. Tuy vậy, có những công việc cấp phó không thể “quyết” được khi người đứng đầu đi vắng, nên phải chờ. Do vậy, với Hà Lâm, nếu duy trì cũng tốt, nhưng tách 2 chức danh riêng thì thuận lợi hơn!”. Khi tìm hiểu tại đơn vị trực tiếp chủ quản, ông Trần Duy Hường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Huoai, trao đổi với chúng tôi: “Tại xã Hà Lâm, kết quả việc thực hiện nhất thể hóa 2 chức danh là điều cần được ghi nhận, vì xã đã có nhiều nỗ lực; tuy nhiên, chưa thực sự nổi trội lắm, vì còn có những cái khó. Việc chỉ đạo và điều hành trôi chảy, nhưng khi bí thư - chủ tịch đi vắng (đi họp hoặc cử đi bồi dưỡng, đào tạo) thì cấp phó đảm đương công việc sẽ gặp khó khăn. Thường trực Huyện ủy đã đánh giá, xem xét và thống nhất sẽ đề nghị Tỉnh ủy cho phép xã Hà Lâm không tiếp tục duy trì mô hình này”. 
 
Còn tại xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), xuất phát từ thực tế của địa phương, việc triển khai mô hình nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch xã được thuận lợi hơn. Trong nhiệm kỳ tới, Thường trực Thành ủy Bảo Lộc, Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh cùng xã Đại Lào và thị trấn Đạ Tẻh dự kiến hướng lựa chọn là sẽ đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục cho duy trì mô hình này và có thể nhân rộng thêm, nếu chọn được xã, phường, thị trấn nào hội đủ các điều kiện “cần và đủ” để nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch cấp xã.            
 
Điều kiện “cần và đủ” 
 
Từ thực tiễn thí điểm thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã, các địa phương đã rút ra các điều kiện “cần và đủ” khi lựa chọn một xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình nhất thể hóa 2 chức danh bí thư - chủ tịch: Những địa phương được lựa chọn để thí điểm phải có điều kiện kinh tế - xã hội ổn định và hệ thống chính trị thực sự vững mạnh (nhất là Đảng bộ phải TSVM liên tục). Nội bộ cán bộ xã phải thực sự đoàn kết, thống nhất. Chức danh bí thư kiêm chủ tịch phải thực sự là cán bộ có phẩm chất và năng lực để tránh xảy ra tình trạng độc đoán chuyên quyền hoặc buông lỏng lãnh đạo quản lý. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã phải được đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ...
 
Ngoài ra, theo ông Dương Kim Viên, Phó Bí thư Thành ủy Bảo Lộc: “Đối với những xã thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, đề nghị Trung ương cần ban hành những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể; cần có chính sách và chế độ đãi ngộ (tăng mức phụ cấp) cho bí thư - chủ tịch xã và các cấp phó. Việc nhân rộng mô hình chỉ có thể thực hiện khi lựa chọn được những xã, phường có đủ điều kiện”.
 
BÙI TRƯỞNG