Vì sao phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

08:11, 13/11/2014

Qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII  "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có nhiều ý nghĩa trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, phát triển con người cả về năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức...

Qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII  “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có nhiều ý nghĩa trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, phát triển con người cả về năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức.
 
Sự phát triển trí tuệ của con người Việt Nam được thể hiện ở đội ngũ trí thức đông đảo; lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật; có hàng chục triệu học sinh, sinh viên… Về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đã từng bước tạo lập và có những thay đổi tích cực thang giá trị sống của con người Việt Nam hướng tới các giá trị chung của nhân loại trong xã hội hiện đại, nhưng cơ bản không đánh mất các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: yêu nước, yêu chế độ, sống có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có nghĩa có tình... Bên cạnh đó, việc xây dựng con người Việt Nam trong thời gian qua cũng bộc lộ và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, số cán bộ quản lý, khoa học, kỹ thuật, văn nghệ sĩ, doanh nhân, công nhân kỹ thuật… thực sự có trí tuệ, năng lực chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Về tư tưởng, đạo đức, lối sống, cũng còn nhiều vấn đề rất đáng lo lắng, đó là tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội; sự xuất hiện xu hướng chạy theo lối sống thực dụng vì lợi ích trước mắt, mà đánh mất lợi ích lâu dài; coi trọng vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, thuần phong, mỹ tục; quá đề cao yếu tố kỹ thuật, coi nhẹ yếu tố con người; chạy theo lợi ích cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, cộng đồng; vô cảm trước những những điều diễn ra xung quanh… Có thể nói, công cuộc đổi mới đất nước đã đem lại nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, nhưng về văn hóa, xã hội có nhiều giảm sút, nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh. Nguyên nhân của thực trạng đã được Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đánh giá một cách thẳng thắn, nghiêm túc. Đặc biệt, trong các nguyên nhân yếu kém, có nguyên nhân quan trọng là chưa coi trọng nhiệm vụ xây dựng nhân tố con người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. 
 
Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI (số 33-NQ/TW) đã nhấn mạnh xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người và xây dựng con người là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Từ đó, xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”; đồng thời yêu cầu “Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ”. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Trong xây dựng văn hóa, phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm”. 
 
Đó là những chủ trương hoàn toàn đúng đắn, vừa phản ánh nhận thức mới của Đảng ta về con người và vai trò, mối quan hệ của con người trong xây dựng, phát triển văn hóa; vừa phù hợp với thực tiễn tình hình đất nước, cũng như xu thế phát triển thời đại hiện nay. Thực tế vấn đề con người và xây dựng con người ngay từ đầu đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng. Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI), nhận thức, quan điểm của Đảng ta về vấn đề xây dựng văn hóa, con người luôn nhất quán, không ngừng bổ sung, phát triển cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn bộ suy nghĩ và hành động đều hướng tới con người, vì con người; luôn quan tâm đến mọi đối tượng con người trong xã hội, không bỏ sót một ai, từ đồng bào trong nước đến kiều bào ta sống ở nước ngoài và cả những người dân lao khổ trên toàn thế giới. Trong bản Di chúc lịch sử, Bác đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo cho con người, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những người lao động, những người có công với nước… Bác là tấm gương sáng về lòng yêu thương, kính trọng nhân dân, quý trọng con người, đặt niềm tin to lớn vào con người. Chính nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nên đất nước ta đã giáo dục, đào tạo các thế hệ con người Việt Nam dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.   
 
Tuy nhiên, con người Việt Nam bên cạnh những phẩm chất tiên tiến, cao đẹp, tạo nên sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm, giá trị vượt trội; vẫn còn tồn tại những nét tính cách thủ cựu, lạc hậu, những yếu tố tiêu cực, những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa lệch lạc…, đang trở thành vật cản kìm hãm sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, làm tăng nguy cơ tụt hậu và chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề hiện nay là phải  tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để khuyến khích, cổ vũ, phát huy mặt tích cực, khắc phục có hiệu quả mặt hạn chế, tiêu cực trong con người Việt Nam; đồng thời tiếp thu bổ sung những điểm mà con người Việt Nam còn thiếu để phát triển toàn diện hơn. Muốn vậy, chúng ta phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI; phải biến nhận thức của Đảng thành nhận thức chung của toàn xã hội; tư tưởng đó phải được thấm sâu đến mọi người, mọi đối tượng. Các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Từ đó, hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo và các hoạt động khác vào việc xây dựng con người phát triển về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật; làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển và tự hoàn thiện nhân cách; làm cho yếu tố con người thực sự trở thành nhân tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.             
 
BAN BIÊN TẬP