(LĐ online) - Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước
(LĐ online) - Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; ngăn chặn các hoạt động phá hoại, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô… Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại.
Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự là ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
25 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
Đây là thành tựu cơ bản, phản ánh sâu sắc tính toàn dân, toàn diện và sức mạnh tổng hợp của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tính chất toàn dân, toàn diện biểu hiện ở chỗ, nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng lớn mạnh hơn… đã được nâng lên. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng được đẩy mạnh, đảm bảo chất lượng. Giáo dục quốc phòng - an ninh đã trở thành môn học chính khoá trong hệ thống giáo dục quốc dân từ trung học phổ thông đến đại học. Công tác huấn luyện quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đã góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm chuyển biến một bước căn bản về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Đây là thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta qua 25 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân và sau gần 30 năm đổi mới đất nước. Đó là: các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các đoàn thể và lực lượng vũ trang đã phối hợp triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng; chỉ đạo có hiệu quả kết hợp quốc phòng với an ninh, quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; tiềm lực kinh tế, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao; tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên một bước. Thực tiễn của đất nước cho thấy, không thể có thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới nếu không kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng CNXH với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn, loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh, các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra
Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang luôn nhận thức sâu sắc sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân. Tiềm lực quốc phòng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường không chỉ bằng sức mạnh quân sự đơn thuần, sức mạnh của các lực lượng vũ trang, mà còn bởi sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân gắn với sức mạnh của nền an ninh nhân dân, sức mạnh của chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức chăm lo xây dựng đất nước vững mạnh trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, đối ngoại... nhằm tạo ra thế và lực mới, làm cho đất nước có đủ sức mạnh cần thiết để răn đe, sẵn sàng đối phó hiệu quả khi có chiến tranh xẩy ra.
Thực tiễn 25 năm qua cho thấy, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam. Song, nhờ có sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh của đất nước được tăng cường một cách toàn diện, nên đã ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của kẻ thù và sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống chiến tranh nếu xảy ra, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Bốn là, hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc
Sau 25 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tiềm lực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự và an ninh của khu vực phòng thủ được tăng cường, góp phần hình thành một thế trận tổng hợp, gắn kết, tích hợp cả thực lực quốc phòng, tiềm lực quốc phòng và tiềm năng quốc phòng tạo ra thế trận liên hoàn để bảo vệ Tổ quốc; khả năng bảo vệ địa bàn, ứng phó với các tình huống quốc phòng - an ninh được nâng cao; việc vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành hoạt động khu vực phòng thủ từng bước được hoàn thiện. Chúng ta đã thực hiện tốt việc phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh gắn với vùng kinh tế chiến lược theo ý định xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc; xây dựng hậu phương chiến lược vững mạnh toàn diện gắn kết chặt chẽ với xây dựng hậu phương các tỉnh, thành phố, huyện (quận, thị xã) tạo thành thế trận hậu phương liên hoàn vững chắc trong cả nước; xây dựng thế trận phòng thủ có sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực phòng thủ của địa phương, với các binh đoàn chủ lực cơ động, các quân binh chủng; xây dựng hệ thống đường giao thông cơ động lực lượng, phương tiện đường bộ, đường sông, đường không và đường biển rộng khắp, mạng thông tin liên lạc ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tác chiến mới.
Đồng thời, đã chú trọng hoàn thiện cơ chế, khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, nhất là quân đội và công an theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các tình huống về quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đấu tranh quốc phòng trong thời bình, làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và chủ động đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược nếu xảy ra đối với nước ta.
Cùng với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thông qua việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chúng ta đã xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Đây là nội dung cơ bản, là vấn đề “mấu chốt” của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Sự vững chắc của “thế trận lòng dân” là bức “thành đồng” chắc chắn, bảo đảm cho đất nước ta có đủ sức mạnh đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để xảy ra chiến tranh và đó cũng là nhân tố bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới trong suốt gần 30 năm qua.
Năm là, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trong 25 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân đã tích cực chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua đó, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang mà nòng cốt là quân đội nhân dân đã được nâng lên một bước; kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng; đồng thời tham gia có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.
Sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại có chuyển biến quan trọng. Các cấp luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; đảm bảo nội bộ đoàn kết thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, phản động, vô hiệu hóa âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.
Quân đội đã có bước điều chỉnh về tổ chức, cả lực lượng thường trực và lực lượng dự bị theo hướng: tinh, gọn, mạnh, có khả năng cơ động cao; ưu tiên hiện đại hóa hải quân, phòng không - không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và trinh sát kỹ thuật. Công tác huấn luyện được coi trọng và đổi mới toàn diện; thực hiện tốt phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Công tác giáo dục đào tạo trong các nhà trường quân đội đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Công tác nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự được đẩy mạnh và đổi mới theo hướng cập nhật thực tiễn; chú trọng kết hợp kinh nghiệm đã được tổng kết với tăng cường nghiên cứu nghệ thuật tác chiến mới xuất hiện, nhằm không ngừng phát triển nền nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Công nghiệp quốc phòng đã đạt được một số kết quả quan trọng; trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Khả năng sản xuất vũ khí, trang bị được nâng cao. Công tác kỹ thuật được triển khai toàn diện, duy trì bảo đảm tốt vũ khí, trang bị hiện có, từng bước khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, hư hỏng, xuống cấp vũ khí, trang bị.
Quán triệt Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên (1996), Pháp lệnh Dân quân tự vệ (2004) và Luật Dân quân tự vệ (2009), các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã duy trì thực hiện có nền nếp chế độ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân; chất lượng các đơn vị dự bị động viên từng bước được nâng cao; lực lượng dân quân tự vệ có số lượng phù hợp theo quy định, chất lượng không ngừng được nâng cao; đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự được củng cố, kiện toàn đủ số lượng và bảo đảm chất lượng.
Những thành tựu cơ bản đạt được sau 25 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
BAN BIÊN TẬP