Cần chú trọng công tác đánh giá cán bộ

05:01, 07/01/2015

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) chỉ rõ: "Đánh giá cán bộ được coi là khâu tiền đề quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu khó và yếu nhất, khó nhất là đánh giá cái "tâm", cái "tầm" và bản lĩnh chính trị của cán bộ".

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ được coi là khâu tiền đề quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu khó và yếu nhất, khó nhất là đánh giá cái “tâm”, cái “tầm” và bản lĩnh chính trị của cán bộ”.
 
Trong những năm qua, không ít cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ chưa thực sự chú trọng, thiếu biện pháp cụ thể quản lý cán bộ, hiểu và nắm sâu về tư tưởng, lập trường, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, xu hướng phát triển, năng lực sở trường, uy tín cá nhân, quan hệ xã hội của bản thân và gia đình cán bộ. Nhìn chung, các cấp ủy đảng khi đánh giá cán bộ mới dừng lại ở định tính là chủ yếu chứ chưa coi trọng định lượng; đánh giá còn chung chung, chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ; còn cảm tính, hình thức, xuê xoa... Thực tế cho thấy “có trường hợp còn không biết mặt cán bộ, dẫn đến việc nhận xét, đánh giá cán bộ chưa thực chất, chưa khách quan, chưa sát” (Nghị quyết Trung ương 9, khóa X). Để đánh giá đúng cán bộ đòi hỏi các chủ thể phải hiểu cán bộ, nắm được tương đối đầy đủ các thông tin về cán bộ như phẩm chất chính trị, năng lực sở trường, xu hướng triển vọng, yếu tố tâm lý, khí chất. Khâu đánh giá cán bộ yếu dẫn đến sử dụng cán bộ không đúng sẽ có tác hại khôn lường. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, người đứng đầu, cơ quan tổ chức cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của khâu đánh giá cán bộ. Các tổ chức đảng, cấp ủy đảng phải phát huy dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong công tác đánh giá cán bộ. Từ đó, cán bộ thấy được những ưu điểm, khuyết điểm hạn chế để xây dựng kế hoạch phấn đấu rèn luyện.
 
Xuất phát từ bản chất xã hội của con người, Hồ Chí Minh đã chỉ dạy khi đánh giá cán bộ phải có quan điểm toàn diện, tránh phiến diện chủ quan, có như vậy mới hiểu được đầy đủ bản chất của người cán bộ. Nghị quyết Đại hội XI chỉ rõ: “Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”. Có nắm vững tiêu chuẩn cán bộ mới có căn cứ khách quan để đánh giá đúng cán bộ cũng như tiến hành các khâu của công tác cán bộ. Vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay cho các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị là trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cần làm tốt việc mô tả vị trí việc làm của từng chức danh. Đây là một trong những nội dung đổi mới tổ chức, cán bộ hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng chính trị và năng lực hoạt động của từng chức danh trong bộ máy. Đây là cơ sở để đối chiếu đánh giá năng lực hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ. 
 
Cần tiếp tục duy trì nhân rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ đối với cán bộ chủ chốt là cách làm mới của Đảng với mục đích để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, có tác dụng nhắc nhở, động viên, cảnh báo cán bộ luôn nêu cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện, tận tụy phục vụ nhân dân. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một tham số giúp cấp ủy, người đứng đầu nắm được phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ; mặt khác giúp cán bộ điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thiện nhân cách, tổ chức điều hành công việc có hiệu quả hơn.
 
Công tác cán bộ là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp ủy đảng phải tăng cường kiểm tra công tác cán bộ, trong đó có khâu đánh giá cán bộ của các tổ chức đảng cấp dưới nhằm giúp các tổ chức đảng thực hiện đúng, bài bản khâu đánh giá cán bộ.
 
BAN BIÊN TẬP