Với áp lực quân sự của Pháp,Tây Nguyên hoàn toàn thuộc quyền "bảo hộ" trực tiếp của thực dân Pháp. Tại Lâm Viên - Đồng Nai Thượng, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia rẽ giữa các dân tộc, chúng đưa ra cái gọi là "Đất Thượng của người Thượng", nhiều khu vực "tự trị" được thành lập...
I. CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (1930-1945)
1. Tình hình Lâm Đồng trong những năm đầu thế kỷ XX
Với áp lực quân sự của Pháp,Tây Nguyên hoàn toàn thuộc quyền “bảo hộ” trực tiếp của thực dân Pháp. Tại Lâm Viên - Đồng Nai Thượng, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia rẽ giữa các dân tộc, chúng đưa ra cái gọi là “Đất Thượng của người Thượng”, nhiều khu vực “tự trị” được thành lập. Chúng độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, tước đoạt đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số lập ra các đồn điền chè, cà phê và biến họ thành nguồn nhân công rẻ mạt; đưa người Kinh từ các nơi khác đến để xây dựng Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng.
Người Kinh đến Lâm Đồng có mối liên hệ chặt chẽ với quê hương là những nơi có truyền thống cách mạng, nên nhanh chóng ảnh hưởng và tác động đến phong trào cách mạng ở Lâm Đồng. Phong trào đấu tranh chống Pháp của đồng bào Châuro, M’Nông ở vùng Lộc Bắc; đồng bào Mạ, K’ho ở Di Linh nhiều lần chặn đánh quân Pháp ở đèo Lú Đáp…đã làm cho quân Pháp nhiều phen khiếp sợ. Tuy nhiên, các cuộc chiến đấu chưa giành được thắng lợi quyết định.
2. Chi bộ Cộng sản ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng (1930-1945)
Từ 1925 đến 1929, phong trào công nhân và phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước đã có ảnh hưởng đến Lâm Đồng. Đầu năm 1929, tổ chức chi bộ Tân Việt được ra đời ở Đà Lạt gồm 3 đảng viên. Sau khi hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), tháng 4/1930, tại Buồng số 2, trên gác nhà để xe Khách sạn Palace (Đà Lạt), chi bộ Tân Việt ở Đà Lạt giải thể và thành lập chi bộ Cộng sản với 3 đảng viên, do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư. Đó là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Đến cuối năm 1930, chi bộ kết nạp thêm 5 đảng viên mới và được cấp trên tăng cường thêm 3 đảng viên để chia thành 2 chi bộ: Chi bộ Palace có 5 đảng viên, Chi bộ Cầu Quẹo có 6 đảng viên.
Các chi bộ đã tích cực tuyên truyền và vận động quần chúng tham gia các tổ chức như: Công hội đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Tương tế, tập hợp được hàng trăm hội viên, đa số là công nhân và nhân dân lao động; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân ở Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc,...
Hoảng sợ trước phong trào cách mạng sôi sục của nhân dân ta, thực dân Pháp tiến hành các cuộc đàn áp, khủng bố khắp cả nước, hầu hết đảng viên bị bắt. Đến cuối tháng 4/1931, các chi bộ Đảng ở Đà Lạt không còn nữa, các tổ chức quần chúng tan rã, phong trào công nhân lắng xuống.
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), phong trào đấu tranh ở Lâm Viên, Đồng Nai Thượng diễn ra sôi nổi. Tháng 12 - 1938, Ban cán sự Đảng các tỉnh Cực Nam Trung Bộ cử đồng chí Nguyễn Văn Chi lên Đà Lạt liên hệ với phong trào công nhân, tiếp xúc nhóm “tiến bộ”, triệu tập cuộc họp để thành lập chi bộ Đảng Cộng sản, gồm 3 đảng viên. Chi bộ tiếp tục lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân ở Đà Lạt, tuyên truyền vận động thành lập Hội Ái hữu trong các ngành nghề, kết nạp thêm hai đảng viên. Đến cuối tháng 10/1939, thực dân Pháp mở các cuộc đàn áp phong trào, ráo riết truy lùng, bắt giam các cựu chính trị phạm, một số đảng viên bị bắt, chi bộ Cộng sản ở Đà Lạt tan rã., phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn.
Ngày 24/2/1942, Xứ ủy Trung kỳ đã quyết định thành lập chi bộ Cộng sản đặc biệt tại Hội An, sau đó đã đưa 03 đảng viên của chi bộ đặc biệt trở lại hoạt động tại Đà Lạt với chủ trương khôi phục lại phong trào, nhưng chi bộ cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn sau khi 2 đảng viên bị bắt, số đồng chí còn lại phải chuyển vùng hoạt động.
Năm 1943, một số đảng viên từ Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa đến Đà Lạt sinh sống đã bí mật liên lạc với nhau và thành lập chi bộ gồm bốn đảng viên. Chi bộ đã tích cực giác ngộ, tuyên truyền cách mạng trong công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chi bộ Đảng ở Đà Lạt thành lập thêm một chi bộ ở ga xe lửa Đà Lạt, gồm 3 đảng viên do đồng chí Đinh Quế làm Bí thư. Tháng 4/1945, chính trị phạm ở nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh thắng lợi, tổ chức Đảng ở nhà lao phân công đảng viên về các tỉnh hoạt động, trong đó có 2 đồng chí: Ngô Huy Diễn và Nguyễn Thế Tính được phân công về Đà Lạt xây dựng cơ sở, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
3. Cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Lâm Đồng
Đầu tháng 8/ 1945, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng, Trung ương Đảng nhận định: Những điều kiện cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi và chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra mệnh lệnh khởi nghĩa trong cả nước. Tối ngày 21/8/1945, hội nghị bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Lâm Viên diễn ra tại Đà Lạt, bầu Ủy ban khởi nghĩa và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Từ ngày 22 đến 28/8/1945, nhân dân các dân tộc hai tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng đã khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Ủy ban Việt Minh hai tỉnh đã tuyên bố những quyền lợi thiết thực mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động hằng mong ước.
Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thắng lợi, đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng địa phương. Từ thực tiễn đấu tranh, tổ chức Đảng ở Lâm Viên - Đồng Nai Thượng đã phát triển và trưởng thành về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong những chặng đường tiếp theo.
II. BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ (1945 -1975)
1. Bảo vệ thành quả cách mạng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954)
Sau khi giành được chính quyền, Mặt trận Việt Minh và chính quyền hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, từng bước ổn định đời sống nhân dân, giữ gìn trật tự trị an.
Thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa, sau khi đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị lực lượng đánh chiếm các tỉnh Nam Trung Bộ. Ngày 28/1/1946, thực dân Pháp phối hợp với quân Nhật tại chỗ mở các cuộc tấn công chiếm lại hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng, lực lượng của ta phải rút khỏi các phòng tuyến và cùng nhân dân rút xuống các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Ủy ban kháng chiến hai tỉnh tập trung củng cố bộ máy cơ quan lãnh đạo, tổ chức các đơn vị vũ trang, bố trí cán bộ, chiến sĩ trở về hoạt động trong vùng địch kiểm soát; vừa tuyên truyền đường lối kháng chiến vừa đẩy mạnh diệt tề, trừ gian; chăm lo tăng cường sức mạnh chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, tăng cường bồi dưỡng sức dân, phát triển sức mạnh về mọi mặt chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến, tháng 4/1949, Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Viên và Ban cán sự Đảng tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập và đến tháng 10/1950, hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng. Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, phối hợp với các chiến trường mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt địch, giải phóng một vùng rộng lớn giáp với tỉnh Bình Thuận, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ (7/1954), chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.
2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Với mưu đồ biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của chủ nghĩa đế quốc, Mỹ - Diệm ngang nhiên xé bỏ Hiệp định Giơnevơ, tiến hành xâm lược nước ta. Từ đây, Đảng ta lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: đấu tranh giành độc lập dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Sau Hiệp định Giơnevơ, ở Lâm Đồng cán bộ và lực lượng vũ trang đã tập kết ra miền Bắc, tổ chức Đảng không còn nữa. Đầu năm 1955, Ban cán sự Đảng Cực Nam Trung bộ chủ trương điều một số cán bộ, đảng viên trở lại chiến trường Lâm Đồng và thành lập các Ban cán sự Đảng trên địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh. Tháng 8/1961, Khu ủy 6 quyết định thành lập Tỉnh ủy của hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức. Sau khi được thành lập, Tỉnh ủy hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức đã kịp thời đề ra chủ trương thành lập các tổ chức Đảng ở cơ sở, đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng căn cứ, tích cực tăng gia sản xuất nhằm giải quyết đời sống và đóng góp nghĩa vụ cho cách mạng; đồng thời đẩy mạnh hoạt động vũ trang tiêu diệt địch, bám dân, bám ấp, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kèm.
Đảng bộ hai tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức đã thực hiện chủ trương chiến đấu lâu dài, kết hợp có hiệu quả 3 mũi đấu tranh: chính trị, vũ trang và hoạt động binh vận; 3 địa bàn chiến lược: đô thị, nông thôn và xây dựng căn cứ vững chắc; phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Kinh - Thượng; tranh thủ được sự chi viện của miền Bắc, sự giúp đỡ của các địa phương... Do đó, đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giải phóng tỉnh Lâm Đồng (4/1975), góp phần cùng quân dân cả nước giành chiến thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
III. ĐẢNG BỘ LÂM ĐỒNG LÃNH ĐẠO NHIỆM VỤ XÂY DỰNG, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN VÀ TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1975-2015)
Thời gian đầu mới giải phóng, chính quyền cách mạng còn non trẻ, việc thiết lập trật tự trị an và ổn định đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; đồng thời phải đối mặt với sự ngấm ngầm chống phá cách mạng của lực lượng ngoan cố của chế độ cũ và đến giữa năm 1975, bọn FULRO đã nổi dậy hoạt động ở một số địa bàn nông thôn, rừng núi xung yếu.
Tháng 1/1976, hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng (cũ) cùng với thành phố Đà Lạt được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng. Tháng 2/1976, Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Lâm Đồng đã kịp thời đề ra chủ trương và những công tác cấp bách trước mắt là: tiếp tục truy quét địch, thiết lập trật tự an ninh; khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang; tăng cường lãnh đạo các cấp, các ngành trong tình hình mới.
10 năm đầu sau giải phòng (1975 - 1985), thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I và lần thứ II, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cơ bản giải quyết xong hoạt động ngoài rừng của lực lượng FULRO (1987), giành được những thắng lợi rất quan trọng trên các lĩnh vực, tạo đà thuận lợi cho quá trình phát triển và những kinh nhiệm của Đảng bộ trong sự nghiệp đổi mới.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, từ năm 1986 đến nay Đảng bộ Lâm Đồng đã tiến hành 5 kỳ đại hội. Vận dụng đúng đắn nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ tỉnh đã đề ra các chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp và có sáng tạo nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đưa Lâm Đồng từng bước phát triển.
Gần 40 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, với ý chí tự lập, tự cường, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự xã hội. Đặc biệt sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Lâm Đồng đã xác định rõ cơ cấu kinh tế, khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh về phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; về du lịch - dịch vụ; phát triển công nghiệp chế biến, thủy điện; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; chăm lo công tác an sinh xã hội; phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và tổ chức; tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị; thực hiện có kết quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… từ đó, phát huy nội lực đưa Lâm Đồng vượt qua tình trạng một tỉnh nghèo, chậm phát triển.
Phát huy truyền thống 85 năm qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đủ năng lực, uy tín lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
BAN BIÊN TẬP