Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh Đỗ Phú Quới khẳng định, từ khi triển khai Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng", công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giáo dục lý luận chính trị huyện Đạ Tẻh đã có nhiều đổi mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã có chuyển biến tích cực
Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh Đỗ Phú Quới khẳng định, từ khi triển khai Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giáo dục lý luận chính trị huyện Đạ Tẻh đã có nhiều đổi mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã có chuyển biến tích cực, thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Huyện ủy Đạ Tẻh đã chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn nội dung liên quan về chế độ học tập lý luận chính trị trong toàn Đảng bộ và lấy việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để tiêu chuẩn hóa cán bộ, đánh giá, sử dụng cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên và chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Trong quá trình thực hiện, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất và kinh phí mở lớp cơ bản theo đúng kế hoạch. Sử dụng phương pháp mới, phương tiện hiện đại phục vụ giảng dạy như giáo án điện tử; đưa vào chương trình học nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương, việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có liên hệ thực tế… Qua đó, chất lượng và hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiêu cực và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức.
|
Lãnh đạo Quân khu 7 thăm và tặng quà cho cụ Tô Đình Cắm (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) - 1 trong 34 chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh: HỮU SANG |
Sau 15 năm triển khai Quy định số 54-QĐ/TW (vào năm 1999) đến nay, huyện Đạ Tẻh đã tổ chức được 1.023 lớp với 89.106 lượt học viên tham gia. Trong đó, có 33 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, cho 2.784 học viên; 11 lớp bồi dưỡng đảng viên mới, cho 903 học viên; 48 lớp bồi dưỡng bí thư và cấp ủy viên cơ sở, với 2.272 học viên; 6 lớp sơ cấp lý luận chính trị, với 310 học viên; và 925 lớp học tập các chuyên đề lý luận chính trị và nghiệp vụ Mặt trận, đoàn thể, học tập các nghị quyết... cho 82.837 cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, Huyện ủy Đạ Tẻh còn phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức tại huyện 4 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 328 học viên. Mặt khác, căn cứ vào quy hoạch và thực trạng trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, huyện đã cử đi bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị bằng nhiều hình thức như tập trung, tại chức, bồi dưỡng, tập huấn tại Trường Chính trị tỉnh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị nghiệp vụ của Trung ương... Sau 15 năm (1999 - 2014), đã có 210 cán bộ, đảng viên được đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 33 cán bộ, đảng viên được đào tạo cử nhân, cao cấp chính trị. Tính đến nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện Đạ Tẻh có 28,94% đạt trình độ cử nhân và cao cấp chính trị, 39,47% có trình độ trung cấp lý luận chính trị; đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có 1,8% có trình độ cao cấp chính trị, 78,18% có trình độ trung cấp chính trị và 3,6% có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.
Cũng theo ông Đỗ Phú Quới, để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong Đảng, bên cạnh việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đứng lớp cũng hết sức quan trọng. Vì vậy, huyện luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức, cũng như báo cáo viên của huyện bằng việc gửi tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do Trường Chính trị tỉnh tổ chức, hoặc các khóa do đầu ngành Trung ương tổ chức. Nhờ vậy, đội ngũ giảng viên của huyện Đạ Tẻh đã từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy chính trị trong xu thế mới hiện nay. Cụ thể, qua các hội thi giảng viên chính trị cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đội ngũ giảng viên chính trị của huyện đã có 3 đồng chí đạt giảng viên giỏi cấp tỉnh và trong đó có 1 đồng chí đạt giảng viên giỏi cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên được đại diện cho đội ngũ giảng viên chính trị của tỉnh đi dự thi giảng viên giỏi toàn quốc.
Công tác giáo dục lý luận chính trị trong Đảng tại huyện Đạ Tẻh đã đạt được những kết quả hết sức khả quan, nhưng đồng chí Bí thư Huyện ủy Đỗ Phú Quới vẫn chỉ rõ, trong công tác giáo dục chính trị hiện nay còn chậm đổi mới về phương pháp và kỹ năng diễn đạt, việc cập nhật kiến thức và lý giải lý luận còn hạn chế, việc vận dụng lý luận và chứng minh hiệu quả thực tiễn chưa đi vào chiều sâu nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, ý thức tự học tập, tự tìm hiểu, tự tư duy về lý luận chính trị cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên chưa thành tính tự giác trong Đảng. Để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong Đảng, cần thực hiện nghiêm quy định về “Tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý”, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn nằm trong quy hoạch, đồng thời thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặt khác, nhận thức đúng và chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền là điều kiện tiên quyết để công tác giáo dục lý luận chính trị ở địa phương đạt kết quả tốt.
LÊ HỮU TÚC