Sức mạnh của tổ chức cơ sở đảng phụ thuộc chất lượng đảng viên

08:01, 12/01/2015

Tổ chức cơ sở (TCCS) đảng có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội XI của Đảng ghi: Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở (Khoản 1, Điều 21).

Tổ chức cơ sở (TCCS) đảng có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội XI của Đảng ghi: Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở (Khoản 1, Điều 21).
 
Có thể nói, TCCS Đảng là nơi đầu tiên và cuối cùng chịu sự tác động trực tiếp, sâu sắc của những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội và tổ chức; là nơi rèn luyện, giáo dục, quản lý, phát triển và sàng lọc đội ngũ đảng viên; nơi thể hiện đầy đủ, toàn diện, trực tiếp, thường xuyên nhất về quyền làm chủ của nhân dân và mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng TCCS đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh có ý nghĩa quyết định đến sự vững mạnh của toàn Đảng.
 
Với nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của TCCS đảng, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở” (VKĐH XI-tr.259-260). Để làm tốt việc này, cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy phải có phẩm chất, năng lực và đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thật sự tiền phong, gương mẫu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở.
 
Đại hội XI của Đảng cũng đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XI cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, trong đó có ba nhiệm vụ liên quan đến các vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Đó là: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự, kỷ cương xã hội); Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Hội nghị lần thứ Tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/2011) đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với những nội dung, biện pháp cụ thể. Hội nghị đã chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình TCCS đảng ở một số loại hình TCCS đảng, vừa tạo ra mô hình tổ chức thống nhất trong toàn Đảng, vừa có những mô hình tổ chức cho phù hợp với những nơi có tính đặc thù. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, tiến tới thể chế hóa về mặt nhà nước đối với vai trò, vị trí của TCCS đảng trong các loại hình cơ sở; đặc biệt coi trọng thắt chặt mối quan hệ của TCCS đảng với quần chúng nhân dân.
 
Cùng với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCS đảng, phải nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và chất lượng công tác kết nạp đảng viên mới. Khoản 2, Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội XI của Đảng thông qua nêu: “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: Thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một TCCS đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”. Trong các tiêu chuẩn nêu ra, có hai nội dung rất quan trọng mà các tổ chức đảng và cấp ủy khi xem xét kết nạp đảng viên mới phải đặc biệt quan tâm là “người ưu tú” và “được nhân dân tín nhiệm”. Có thể coi đây là điều kiện “ĐỦ” và “CẦN” về lịch sử chính trị của bản thân và gia đình người xin vào Đảng. Hai nội dung này hoàn toàn có thể đánh giá được qua nỗ lực, phấn đấu, động cơ vào Đảng, các mối quan hệ của cảm tình đảng từ thực tế. Ông cha ta khi coi trọng chất lượng hơn số lượng thường nói: “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nên chăng trong công tác xây dựng Đảng cũng cần suy ngẫm và áp dụng câu nói đó. Ngay trong binh pháp, người ta cũng chủ trương “quân không cần nhiều cốt ở tinh nhuệ”. Đương nhiên, so sánh thường khập khễnh, nhưng cũng từ đúc kết đó mà tin rằng sức mạnh của tổ chức đảng có thể không nằm ở số lượng mà chính là chất lượng của tổ chức đảng, thể hiện ở năng lực, tính kỷ luật, sự tự giác của từng đảng viên, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, năng động của cấp ủy. Nguồn của Đảng vẫn phải chú trọng kết nạp Đảng những đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ưu tú và những người tiên tiến trong công nhân, nông dân, trí thức và người lao động trong các thành phần kinh tế; thực hiện thí điểm từng bước việc kết nạp những người đang làm chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có nguyện vọng vào Đảng.
 
Đối với những địa bàn, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện chưa có TCCS đảng, có ít hoặc chưa có đảng viên cần được đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng (tổ đảng, chi bộ, đảng bộ) nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở mọi nơi và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của một số loại hình TCCS đảng, nhất là trong doanh nghiệp - những nơi đang chịu sự tác động của quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, cấu trúc lại sản xuất. 
 
Để TCCS đảng thực sự là nền tảng của Đảng, đòi hỏi “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” như Bác Hồ căn dặn. Chỉnh đốn Đảng nhằm chống cơ hội chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo nên sự thống nhất trong Đảng về nhiệm vụ, mục tiêu chính trị. Chú trọng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng và của từng cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị thể hiện ở niềm tin và sự kiên định mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn; là chủ động bình tĩnh vượt qua khó khăn thử thách, không hoang mang, dao động trước những thách thức nặng nề nhất; là ý thức tự phê bình và phê bình, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm nguyên nhân và sửa chữa có hiệu quả. Mỗi cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều chú trọng tăng cường kỷ luật của Đảng. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác, mỗi cán bộ, đảng viên tự ghép mình vào kỷ luật, nghiêm chỉnh thực hiện Điều lệ Đảng và những quy định của Đảng.
 
Sức mạnh của TCCS đảng phụ thuộc vào chất lượng đảng viên. Điều đó đòi hỏi đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tự giác thực hiện những nhiệm vụ đề ra cho đảng viên. Người đảng viên trước hết là một công dân tốt, đồng thời đòi hỏi đảng viên tự kiểm soát nhận thức và hành vi của mình, suốt đời trung thành với tư tưởng cộng sản, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giai cấp và dân tộc. Mỗi đảng viên là tế bào của Đảng góp phần làm cho TCCS đảng xứng đáng là nền tảng của Đảng.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG