Mỗi kỳ Đại hội của Đảng đều có một chủ đề. Chủ đề Đại hội của Đảng là tư tưởng chỉ đạo định hướng hoạt động của Đảng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm của Đại hội.
Mỗi kỳ Đại hội của Đảng đều có một chủ đề. Chủ đề Đại hội của Đảng là tư tưởng chỉ đạo định hướng hoạt động của Đảng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm của Đại hội.
|
Chương trình Hoa hồng đồng đội trong đêm Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Ảnh: P.V.E |
Việc chọn chủ đề Đại hội đòi hỏi trí tuệ tập thể, trước hết là cấp ủy và tiểu ban nội dung của Đại hội, sau đó qua nhiều lần góp ý và cuối cùng do Đại hội quyết định. Chọn chủ đề Đại hội chính là xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Nó liên quan đến bối cảnh quốc tế và trong nước. Đại hội VII xác định Cương lĩnh quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội VIII khẳng định đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội IX xác định chủ đề: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đến Đại hội X của Đảng, chủ đề được chọn là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Chủ đề này đã thể hiện đầy đủ, ngắn gọn, súc tích và có tính khái quát cao, gồm 4 thành tố sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây là thành tố đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết, cần phải kiên định sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng để Đảng ta ngày càng giàu trí tuệ, trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo đất nước tiếp tục đi lên.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách; năng lực tổ chức và chỉ đạo thực hiện; tổng kết lý luận - thực tiễn, tạo nên sự thống nhất trong Đảng; lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.
Nâng cao sức chiến đấu của Đảng làm cho từng đảng viên, từng tổ chức cơ sở Đảng, cấp ủy đảng và toàn Đảng phải có ý chí phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức, không nể nang, né tránh; kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái ở ngay trong bản thân mỗi đảng viên, trong từng tổ chức đảng, cơ quan nơi mình sinh hoạt, công tác, ở trong Đảng và trong xã hội; dũng cảm chống các tư tưởng, quan điểm và hành động sai trái, thù địch.
Hai là, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Đây là thành tố thứ hai, chỉ rõ yêu cầu động viên cao độ sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, của đồng bào trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, của mọi lĩnh vực hoạt động trên đất nước ta; giải phóng mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế; phát huy sức mạnh của truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc và ý chí kiên cường của người Việt Nam để thực hiện bằng được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ba là, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Đây là thành tố thứ ba, thể hiện yêu cầu tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ tư duy, nhận thức đến hoạt động thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến quốc phòng an ninh, đối ngoại; từ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động trong từng bộ phận của hệ thống chính trị; từ trung ương đến địa phương và cơ sở.
Bốn là, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đây là thành tố thứ tư, chỉ rõ mục tiêu trực tiếp của nhiệm kỳ 2006-2010. Đại hội IX đã đề ra những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010). Đại hội X nêu quyết tâm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, hàm ý phấn đấu hoàn thành chiến lược nói trên trước năm 2010. Đây cũng là điều mong ước thiết tha và là đòi hỏi bức xúc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Kế thừa và phát triển chủ đề của Đại hội X, Đại hội XI của Đảng nêu lên chủ đề đồng thời là tiêu đề của Báo cáo chính trị, đó là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Chủ đề gồm 4 thành tố vừa thể hiện tập trung, cô đọng nhất mục tiêu, nhiệm vụ, động lực của cách mạng nước ta trong những năm tới.
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây là thành tố đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) đã khẳng định bài học “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên đã đạt được một số kết quả; chú trọng hơn xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở những vùng, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, còn không ít tổ chức đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt Đảng chưa nền nếp, nội dung nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Do đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo sự chuyển biến thật sự trong những vấn đề nêu trên nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.
Hai là, tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) tiếp tục khẳng định bài học kinh nghiệm lớn: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” và bài học về đại đoàn kết. Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng chưa đầy đủ và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, của mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước; giải phóng mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế; phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và ý chí kiên cường của người Việt Nam. Đó là thành tố thứ hai.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Đây là thành tố thứ ba thể hiện sự kế thừa Đại hội X về “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Đó là đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ nhận thức, tư tưởng đến hoạt động thực tiễn; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đến hoạt động trong từng bộ phận của hệ thống chính trị; từ hoạt động của cấp trung ương đến hoạt động của địa phương và cơ sở. Công cuộc đổi mới 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hơn nữa.
Bốn là, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là thành tố thứ tư chỉ rõ mục tiêu trực tiếp của Đại hội XI. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội X, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Các Đại hội VIII, IX, X và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhất quán xác định mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xin nêu lại vấn đề trên để cùng tham khảo và vận dụng phù hợp với đặc điểm của Đảng bộ mình.
Khuất Minh Phương