80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

08:03, 30/03/2015

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước; từ đó đã tạo nên truyền thống quý báu "Ngụ binh ư nông", "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" ... và Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng tiêu biểu cho truyền thống đó.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước; từ đó đã tạo nên truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” ... và Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng tiêu biểu cho truyền thống đó. DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. 
 
1. Dân quân tự vệ 80 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và trưởng thành
 
1.1. Giai đoạn 1930 -1954
 
Kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc; sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta, ngay từ khi mới ra đời Đảng ta đã đề ra chủ trương về “Vũ trang cho công nông” (Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương). Trong những năm 1930 - 1931, nhiều cuộc bãi công, biểu tình liên tiếp nổ ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Thời kỳ này, Đảng ta đã xác định một số vấn đề cơ bản về khởi nghĩa vũ trang, vũ trang bạo động; coi khởi nghĩa vũ trang là sự nghiệp của đông đảo quần chúng và để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang phải lấy việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng làm nền tảng. Do đó, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (tháng 3/1931), Đảng ta chủ trương khi giành được chính quyền thì thành lập “Quân đội công nông”.
 
Ngày 28 tháng 3 năm 1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung quốc), Đảng ta đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Nghị quyết về Đội tự vệ đã khẳng định: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Đây là một dấu mốc quan trọng mở ra một thời kỳ mới, là tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng. Có thể nói Nghị quyết về Đội tự vệ là khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc.
 
Sau khi có Nghị quyết của Đảng, các Đội tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng ra đời, đây là tiền thân của các Đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này. Trong những năm 1939 - 1940, phong trào cách mạng của quần chúng từ đấu tranh chính trị đã từng bước tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Một số đội du kích ra đời và phát triển thành các đội Cứu quốc quân. Lực lượng tự vệ được khẩn trương xây dựng ở trên khắp các tỉnh, nhất là ở Bắc Bộ, Trung Bộ. 
 
Thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1940 - 1945), đi đôi với chủ trương mở rộng và củng cố các đội tự vệ ở khắp các vùng nông thôn, thành thị, Đảng ta đã chủ trương thành lập các đội tự vệ cứu quốc, các tổ, tiểu đội du kích cứu quốc và các đội du kích chính thức. Các đội tự vệ đã trở thành tổ chức vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, được xây dựng ở các căn cứ, địa phương có điều kiện; phối hợp với các đơn vị cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa Việt Bắc, Đông Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ba Tơ v.v... Đến tháng 8/1945, lực lượng DQTV đã phát triển lên tới vài chục nghìn người, cùng với giải phóng quân và toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
 
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong vòng vây của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế. Trong một thời gian ngắn, lực lượng DQTV được Mặt trận Việt Minh tổ chức rộng khắp ở các làng, xã, đường phố trong cả nước gồm hàng chục vạn người đã tham gia bảo vệ chính quyền còn non trẻ; trở thành một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân, một công cụ chủ yếu của chính quyền ở cơ sở. 
 
Ngày 23/9/1945, Quân đội Pháp được quân Anh giúp sức nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương ở miền Nam nhất là Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, lực lượng DQTV đã phối hợp với bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch, diệt ác, trừ gian, phá hoại đường giao thông... Ở miền Bắc, lực lượng DQTV phối hợp với công an nhân dân và Vệ quốc quân tham gia trừng trị bọn phản động trong nước, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng DQTV được nhanh chóng phát triển rộng khắp trong cả nước, ngày càng lớn mạnh; từ chỗ là lực lượng vũ trang quần chúng do mặt trận chỉ đạo, đã từng bước được thống nhất về tổ chức, trở thành một bộ phận trong LLVT nhân dân Việt Nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng các cấp. Lực lượng DQTV đã cùng vệ quốc quân và các lực lượng chính trị tạo thành sức mạnh to lớn trong thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân.
 
Đến đầu năm 1947, lực lượng DQTV đã phát triển lên gần 3 triệu người, riêng Thủ đô Hà Nội có 6.000 đội viên. Ở chiến trường Nam Bộ, lực lượng dân quân du kích phát triển trên 27 vạn (nữ có 5,7 vạn), trong đó, du kích chiến đấu là 1,4 vạn; ở chiến trường Trung Bộ, đến cuối năm 1949 phát triển 28,5 vạn dân quân du kích; ở Bắc Bộ, dân quân du kích phát triển mạnh với hơn 27,9 vạn người với đủ các lứa tuổi, trai, gái. Phòng DQTV (nay là Cục DQTV) và hệ thống cơ quan DQTV từ quân khu đến các địa phương được thành lập để chỉ đạo xây dựng phong trào. Trong điều kiện hết sức khó khăn gian khổ, bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo và vũ khí lấy được của địch, phải đương đầu với quân đội viễn chinh Pháp được trang bị hiện đại, lực lượng DQTV và du kích đã cùng nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, dựa vào hệ thống này đã kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, phá tề, trừ gian; tích cực phối hợp với bộ đội địa phương chống địch càn quét, bao vây, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt địch, giải phóng làng xã, mở rộng các khu căn cứ du kích; thực hiện tích cực kiềm chế, căng kéo lực lượng địch, buộc chúng phải phân tán đối phó, tạo điều kiện cho ta bảo vệ vùng tự do và góp phần cùng bộ đội chủ lực thực hiện nhiều chiến dịch lớn, giành thắng lợi trên các chiến trường.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng DQTV và bộ đội địa phương đã tiêu diệt 23,1 vạn/50 vạn quân địch (chiếm tỷ lệ 46,4% tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt) làm tan rã trên 20 vạn tên (chiếm tỷ lệ 35%) và kiềm chế, phân tán trên 90% tổng số lực lượng trên toàn chiến trường, khiến Đại tướng NaVa phải thú nhận “Quân Pháp đông nhưng chỉ để được 10% lực lượng cơ động chiến lược”. Vì vậy, chiến công của lực lượng DQTV và bộ đội địa phương đã góp phần cùng bộ đội chủ lực giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” và giải phóng hoàn toàn miền Bắc năm 1954.
 
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi đã chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân đối với nước ta. Trong đó, lực lượng dân quân, du kích và tự vệ đã có sự đóng góp công sức và xương máu vô cùng to lớn vào chiến công chung của toàn dân tộc.
 
1.2. Giai đoạn 1954 – 1975
 
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước, lực lượng DQTV ở miền Bắc đã tích cực tham gia cải cách ruộng đất, đánh đổ địa chủ, phong kiến, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tham gia bắt gọn nhiều toán biệt kích Mỹ - Ngụy tung ra phá hoại miền Bắc (nhất là những năm 1960 - 1963). Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, lực lượng phòng không DQTV miền Bắc đã được tổ chức trên 700 phân đội, tăng cường trang bị nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại, thực hiện “tay cày tay súng, tay búa tay súng” đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không, không quân chiến đấu liên tục ngày đêm bắn rơi nhiều máy bay địch. Riêng DQTV đã độc lập bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc (chiếm 10%), bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Lực lượng DQTV còn tham gia xây dựng nhiều công trình phòng tránh bom đạn đánh phá của địch, tiến hành rà soát bom mìn, thủy lôi, chống phong tỏa bằng đường biển; đã huy động 183 triệu lượt người tham gia đảm bảo giao thông, phục vụ chiến đấu, phòng tránh sơ tán khắc phục hậu quả do địch gây ra, chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. 
 
Lực lượng dân quân du kích ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tỏ rõ khả năng anh dũng phi thường, luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng các hình thức đánh địch hết sức phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), hình thành thế trận chiến đấu vững chắc... Qua hơn 20 năm chiến đấu cực kỳ anh dũng, mưu trí, sáng tạo, lực lượng dân quân du kích và tự vệ miền Nam đã phối hợp với nhân dân đấu tranh quyết liệt chống địch dồn dân lập “Khu trù mật”, lập “Ấp chiến lược”; độc lập và phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trong mọi hoạt động, góp phần đánh bại các chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” và các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy như: “Bình định”, “Ấp chiến lược”, “Tát nước bắt cá”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”... Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, lực lượng DQTV cùng bộ đội chủ lực và toàn dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt, góp phần vô cùng quan trọng vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Về chiến tranh du kích ở miền Nam, một số nhà báo và chính giới Mỹ đã phải thừa nhận: “Cuộc chiến tranh du kích là một nghệ thuật mà Việt Cộng đã trở thành bậc thầy, những nghệ sĩ vĩ đại trong nghệ thuật đó” (Đê-Vit-Bớc-Tam), hoặc “Chúng ta phải đương đầu với quân du kích tài tình chưa từng thấy trong lịch sử loài người” (R. Rát-xét, Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng Nghị viện Mỹ).
 
Những kinh nghiệm cực kỳ phong phú và sáng tạo trong xây dựng, hoạt động, chiến đấu của DQTV trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu để áp dụng trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng hiện nay.
 
Từ khi cả nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng DQTV đã làm nòng cốt cho nhân dân ở cơ sở khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực rà phá, bóc gỡ bom mìn địch, giải phóng hàng triệu héc ta đất canh tác để khôi phục sản xuất; tiếp tục truy quét tàn quân, bọn phản động của địch còn cài cắm lại. Lực lượng DQTV đã được huy động hàng triệu lượt người tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, phối hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu góp phần quan trọng vào thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, phối hợp với Công an nhân dân và các lực lượng khác thực hiện tốt việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
 
Thực hiện đường lối đổi mới trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa VI, VII, VIII và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quốc phòng - an ninh; đặc biệt là Chỉ thị số 55/BBT ngày 29/9/1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) và Nghị định số 29/HĐBT ngày 29/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về xây dựng lực lượng DQTV trong tình hình mới, lực lượng DQTV trong cả nước đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và biên chế trang bị theo hướng tinh gọn, tổng hợp hơn; từng bước đổi mới nội dung huấn luyện và phương thức hoạt động. Việc xây dựng lực lượng DQTV được gắn chặt với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ trong các vùng trọng điểm, xung yếu; củng cố dân quân binh chủng, tự vệ chuyên ngành; nhiều địa phương đã chuyển hướng vào nhiệm vụ chiến đấu trị an ở cơ sở, góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững ổn định chính trị... Lực lượng DQTV đã thực sự là công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân ở cơ sở.
 
Quán triệt các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về tăng cường quốc phòng và an ninh, Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa IX) và lần thứ 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chỉ thị số 16/CT-TW ngày 5/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) trong tình hình mới”, Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009 của Quốc hội…, lực lượng DQTV được rà soát, củng cố nâng cao chất lượng, trước hết là chất lượng chính trị ở cơ sở, được giáo dục chính trị, huấn luyện hoạt động theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong lao động, bảo vệ sản xuất, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa và phối hợp với các lực lượng khác góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; bắt đầu nghiên cứu tổ chức và xây dựng theo hướng sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến tranh hiện đại có sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch; ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò chiến lược trong việc góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng, sinh ra và lớn lên trong phong trào cách mạng của nhân dân, gắn bó mật thiết với quê hương, làng xóm, công, nông lâm trường, nhà máy, xí nghiệp; sống, chiến đấu trong lòng dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc; là hình thức tổ chức giữ vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong việc thực hiện vũ trang toàn dân, toàn dân đánh giặc giữ nước, trong phát động chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, góp phần vào thắng lợi chung; có nhiệm vụ nặng nề trong xây dựng và bảo vệ địa phương, là lực lượng nòng cốt bổ sung và phục vụ đắc lực cho yêu cầu chiến đấu của bộ đội chủ lực. 
 
Qua những năm tháng chiến đấu, công tác, lực lượng DQTV Việt Nam đã tỏ rõ rất mực trung thành với dân tộc, với nhân dân; chiến đấu kiên cường - mưu trí - dũng cảm, lao động, học tập sáng tạo - hiệu quả, lập nên nhiều chiến công to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. 
 
Để ghi nhận những công lao và thành tích của lực lượng DQTV qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 366 tập thể và 275 cá nhân; trong đó có những tập thể tiêu biểu như: Đại đội nữ dân quân Ngư Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình, Đại đội nữ dân quân Tiền Hải - Thái Bình, Trung đội lão dân quân Hoằng Hóa - Thanh Hóa, dân quân du kích huyện Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh, huyện Giồng Trôm - Mỏ Cày - Bến Tre v.v... và hàng ngàn, hàng vạn tấm gương anh hùng tiêu biểu khác đã góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.  
 
2. Truyền thống lực lượng dân quân tự vệ Lâm Đồng
 
Lịch sử đấu tranh và trưởng thành của lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng gắn liền với lịch sử chiến đấu lâu dài của lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
 
2.1. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
 
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng ở Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Mặt trận Việt Minh đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, vận động thanh niên, công nhân tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số phân đội vệ quốc quân và du kích chiến đấu đã được thành lập. Tuy lực lượng của ta lúc này còn yếu và mỏng nhưng đã tổ chức phòng tuyến chiến đấu chặn đánh quân địch; điển hình là ngày 9/11/1945, khi quân Nhật với hơn 300 tên có xe pháo yểm trợ, hành quân từ hướng Sài Gòn lên nhằm chiếm lại tỉnh Đồng Nai Thượng và tỉnh Lâm Viên đã bị lực lượng của ta tổ chức đánh chặn tại đèo Bảo Lộc. Trận đánh tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chiến công của lực lượng vệ quốc quân trên đất Đồng Nai Thượng. 
 
Những năm 1950-1951, nhiều đội vũ trang tuyên truyền, đội cảm tử tiếp tục được thành lập rộng khắp ở các huyện và thị xã Đà Lạt. Trong một thời gian dài hoạt động quân sự, lực lượng của ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại đáng kể, tiêu biểu như những trận đột nhập biệt thự Hoa Hồng (thị xã Đà Lạt) của đội cảm tử Phan Như Thạch ngày 11/5/1951. Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, cùng với chiến trường cả nước, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động phối hợp, dũng cảm chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Điển hình như đêm 7/4/1954, lực lượng du kích xã Sơn Điền - Di Linh phối hợp với lực lượng chủ lực của chiến trường Cực Nam Trung bộ tiến công tiêu diệt đồn La Dày, đồn Giáp Bát, giải phóng hơn 20.000 dân, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng. Riêng trung đội du kích xã phục kích ở buôn B’Rang chặn đánh địch càn quét, diệt - bắt 47 tên, thu 47 khẩu súng; tiếp đó, ngày 10/4/1954, đánh phục kích giao thông đường 28, diệt 30 tên, phá hủy 1 xe quân sự và thu toàn bộ vũ khí. Tuy cơ sở cách mạng còn ít, lực lượng phát triển chưa mạnh nhưng lực lượng vũ trang tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
 
2.2. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
 
Những năm đầu chống Mỹ cứu nước, Lâm Đồng là một tỉnh xa sự chỉ đạo và chi viện của Trung ương, cực kỳ khó khăn gian khổ. Các đội vũ trang tuyên truyền, các đội công tác vũ trang đã có sự phát triển mạnh mẽ về lực lượng. Từ năm 1961 đến năm 1969, lực lượng du kích của tỉnh đã phát triển rộng khắp, ở Đà Lạt có các đội biệt động với trên 1.500 du kích chiến đấu. Hoạt động quân sự của ta lúc này đã có sự phát triển mạnh, nhiều trận đánh đã gây cho địch thiệt hại nặng nề; tiêu biểu như những trận du kích phối hợp với bộ đội địa phương và chủ lực của Quân khu tập kích địch ở Đầm Ròn diệt hơn 300 tên địch, phá hủy 2 khẩu pháo, bẻ gãy âm mưu hành quân xây dựng cứ điểm của địch. Thực hiện chủ trương “mở mảng, mở vùng, giành đất”, từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7/1965, lực lượng của ta sau 2 tháng chiến đấu liên tục đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên địch, thu trên 600 súng các loại, phá 52/80 khu tập trung và ấp chiến lược, giải phóng hơn 30.000 dân, mở vùng giải phóng rộng lớn từ Tây Bắc Di Linh đến Tây Bắc Bảo Lộc và từ Nam Bảo Lộc đến Phương Lâm (Đồng Nai bây giờ).
 
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang Lâm Đồng đã làm chủ và trụ lại trong thị xã Đà Lạt 12 ngày đêm. Bước vào thời kỳ chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của địch, chiến trường Lâm Đồng lúc này vô cùng khó khăn, lực lượng chưa được bổ sung; lương thực, đạn dược, thuốc men thiếu thốn nghiêm trọng, quân địch tăng cường đánh phá mạnh. Trước yêu cầu của chiến trường, cuối tháng 5/1970, ta đã tổ chức cuộc công kích vào thị xã Đà Lạt (gọi là TK70), đánh phá 23 mục tiêu quan trọng, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, phá hủy 17 xe quân sự. Thắng lợi này đã có tác động tích cực đến phong trào cách mạng của địa phương cũng như toàn miền.
 
Từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến khi kết thúc chiến tranh, lực lượng vũ trang của tỉnh nói chung và lực lượng du kích nói riêng đã vượt qua nhiều cam go, thử thách, khắc phục mọi khó khăn, bám đất bám dân, kiên quyết tiến công địch, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Điển hình như xã Sơn Điền - Di Linh, trong kháng chiến chống Mỹ, đã phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh, Quân khu liên tục đánh địch, góp phần đánh bại nhiều cuộc cán quét của địch đánh phá vào vùng căn cứ, có trận riêng lực lượng du kích của xã đã vây đánh cả trung đội lính Mỹ - Ngụy, thu 40 súng các loại, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay... Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu như đồng chí K’Đen hy sinh ngày 15/1/1966, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1995). Đặc biệt, xã Lộc Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng dân quân du kích xã đã đánh hàng trăm trận diệt 89 tên, tổ chức 97 lần đánh máy bay, bắn rơi 13 chiếc, bắn bị thương 8 chiếc khác. Trong đó, điển hình là trận đánh máy bay ngày 7-8/7/1970 của du kích xã do đồng chí K’Vét chỉ huy, bằng khẩu CKC đã bắn rơi chiếc máy bay HUIA của tên tướng Mỹ 3 sao KISI - Tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay và 7 sĩ quan tham mưu. 
 
Đảng bộ, nhân dân, lực lượng dân quân du kích xã Lộc Bắc và xã Sơn Điền là một trong những vùng căn cứ địa tiêu biểu, luôn giữ vững và phát huy truyền thống kiên cường, bất khất của dân tộc, có nhiều thành tích, công lao trong cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 20/12/1994, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho hai địa phương.
 
Từ khi cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng DQTV Lâm Đồng đã làm nòng cốt cùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia truy quét Fulrô…; độc lập và phối hợp chiến đấu có hiệu quả 208 trận, diệt 150 tên, bắn bị thương 78 tên, bắt sống 250 tên, thu 308 súng các loại (từ 1977-1988); tham gia phát động quần chúng và gọi hàng trăm tên Fulrô ra hàng, trở về với nhân dân, đồng thời bóc gỡ nhiều tổ chức Fulrô trong dân… Nhiều trận đánh tiêu biểu đã diễn ra như: Dân quân cơ động Ninh Gia phối hợp với dân quân cơ động huyện tập kích ở thôn Đăng Son ngày 13/5/1977; lực lượng du kích xã Đầm Ròn phối hợp với bộ đội huyện và d200c tổ chức truy quét tiêu diệt địch (tháng 8/1981); DQTV xã Liên Đầm huyện Di Linh phối hợp với bộ đội địa phương truy quét buộc toán Fulrô do thiếu tá TaBulSul Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng 7 tên đem toàn bộ vũ khí ra hàng (cuối tháng 8/1987); DQTV xã Lạc Lâm - Đơn Dương phối hợp với bộ đội bao vây, đột nhập vào sào huyệt của Fulrô, bắt toàn bộ toán của Tư lệnh Quân khu 4 và gọi hàng 8 tên (ngày 23/1987)…, đến tháng 7/1997 lực lượng Fulrô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được xoá sổ.
 
 
2.3. Lực lượng DQTV tiếp tục xây dựng và phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Phát huy truyền thống 80 năm vẻ vang của lực lượng DQTV, 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 67 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh, cán bộ, chiến sĩ LLVT và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
 
Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống vẻ vang 80 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng DQTV Việt Nam cũng như lực lượng DQTV tỉnh Lâm Đồng. Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nói chung và DQTV nói riêng đã được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; các văn bản luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của tỉnh về DQTV… Qua đó, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. 
 
Hai là, tiếp tục xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo hướng tổ chức lực lượng hợp lý, chất lượng tốt, lấy xây dựng về chất lượng chính trị là chính; tổ chức biên chế tinh gọn, chặt chẽ; trang bị vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng DQTV ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp. Bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng này theo giá trị ngày công lao động thực tế và phù hợp với khả năng của địa phương. 
 
Ba là, các cấp ủy Đảng có chủ trương, nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên; làm tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, nâng tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, đơn vị dự bị động viên theo mục tiêu đề ra trong các kế hoạch; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên về công tác này…
 
Bốn là, thường xuyên kiện toàn Ban chỉ huy quân sự các cấp đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao. Hằng năm, từ cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức đến cán bộ phân đội dân quân tự vệ và dự bị động viên phải được bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức cần thiết về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh làm cơ sở triển khai công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự tại đơn vị.
 
Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống của lực lượng DQTV, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, những chiến công oanh liệt của lực lượng DQTV. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, ra sức xây dựng lực lượng DQTV ngày càng vững mạnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
 
 
Khánh Linh (tổng hợp)