Nêu cao tính Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng

09:03, 04/03/2015

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, từ việc đánh giá cao vai trò của người cán bộ với tư cách là chủ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đòi hỏi cán bộ phải tự giác rèn luyện về mọi mặt, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, xứng đáng là người lãnh đạo...

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, từ việc đánh giá cao vai trò của người cán bộ với tư cách là chủ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đòi hỏi cán bộ phải tự giác rèn luyện về mọi mặt, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân”, trong Di chúc gửi lại đồng chí, đồng bào, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Muốn vậy, cần nhận rõ phận sự của đảng viên và cán bộ: “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân”; “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”(2).
 
Vậy, “Tính Đảng là gì? Theo Bác:
 
Một là: “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”
 
Hai là: Việc gì cúng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và làm đến nơi đến chốn
 
Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì cả. 
 
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau” (3).
 
Sau khi nêu lên những nội dung của tính Đảng, Bác chỉ rõ hiệu quả của kém tính Đảng: “Vì kém tính Đảng và có những bệnh sau đây: Bệnh ba hoa, bệnh địa phương, bệnh ham danh vị, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh xa quần chúng, bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh ích kỷ, bệnh hủ hóa, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh lười biếng. Hậu quả của những bệnh này thật vô cùng tai hại, nó kìm hãm sự phát triển của Đảng, phải dùng vũ khí phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa những bệnh trên, có như thế, Đảng mới chống phát triển” (4)
 
Tính Đảng còn thể hiện ở lời căn dặn của Bác: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, bởi vì, theo Người: “Chủ nghĩa cá nhân” là một kẻ thù nguy hiểm của đạo đức cách cách mạng và chủ nghĩa xã hội. “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” (5). Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân (6).
 
Đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập phát triển. Phần lớn cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tận tụy với công việc, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; trình độ các mặt được nâng lên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Tuy vậy, những năm gần đây, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường khiến “tính đảng” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã suy giảm. Đại hội lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp...” (7). Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chính là những biểu hiện của sự giảm sút hay kém “tính Đảng”. 
 
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình chính trị thế giới có sự thay đổi, kinh tế thế giới suy giảm kéo dài, tình hình chính trị - an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, bất ổn, căng thẳng gia tăng ở nhiều nơi. Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi, nhưng chưa ổn định, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội vẫn là mối quan tâm, lo ngại lớn của xã hội. Tình hình trên biển Đông diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta, đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng và toàn dân tộc, hơn bao giờ hết “tính Đảng” của người đảng viên cộng sản càng phải được đề cao hơn.
 
Tăng cường rèn luyện “tính Đảng” cho cán bộ, đảng viên là trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, việc rèn luyện “tính Đảng” cho cán bộ, đảng viên hiện nay là gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
(1) - Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 58.
(2) - Hồ Chí Minh: Toàn tập,NxB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 88.
(3,4,5) - Hồ Chí Minh: Toàn tập,NxB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.505,506.
(6) - Hồ Chí Minh: Toàn tập,NxB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.9, tr.300.
(7) - Hồ Chí Minh: Toàn tập,NxB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.438-439.
(7) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.185.
 
NGUYỄN VĂN THANH