(LĐ online) - Chiều 17/3, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng chí Hoàng Thị Thu Hồng – UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị...
(LĐ online) - Chiều 17/3, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng chí Hoàng Thị Thu Hồng – UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, BCH quân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban ngành; đại diện thường trực HĐND các huyện, thành phố: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông.
|
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hồng - UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị |
Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 4 chương, 90 điều quy định cụ thể một số nội dung về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND; các ban, tổ HĐND…
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của Dự thảo; cho đây là Dự án Luật cần thiết, kịp thời, nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, khắc phục các hạn chế, bất cập, các quy định hiện hành về giám sát. Những điều mà dự thảo đưa ra hai phương án để đại biểu góp ý, đa số đại biểu đồng tình với phương án 2.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, luật mới quá dài dòng, có nhiều nội dung không cần thiết, song cũng còn nhiều nội dung quan trọng chưa được đề cập đến. Một số từ ngữ, khái niệm dùng trong các điều luật còn mơ hồ chung chung, chưa cụ thể như: Hoạt động giám sát, chủ thể giám sát, văn bản pháp luật. Một số đại biểu đề nghị cần giải thích rõ ràng các thuật ngữ trong một điều khoản cụ thể; Cần rút gọn độ dài của luật, không dàn trải nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, có hiệu lực; Xây dựng những chế tài cụ thể trong việc xử lý sau giám sát, thể hiện rõ thẩm quyền của HĐND trong công tác giám sát.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Thu Hồng đã ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan, nhất là các cơ quan trong khối nội chính, cũng như các huyện và các sở, ban ngành cần nghiên cứu sâu hơn và tiếp tục góp ý bằng văn bản. Trong đó, nêu cụ thể góp ý cho điều khoản nào và lý do cần góp ý. Ý kiến của các đơn vị sẽ tiếp tục được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp để hoàn thành bản góp ý có chất lượng hiệu quả trình lên Quốc hội xem xét, nhằm đóng góp hiệu quả vào sự hoàn thiện chung của dự án luật.
Ngọc Ngà