Toàn dân góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự

09:03, 06/03/2015

Ngày 29/1/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 488/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH ngày 25/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 2/1/2015 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và thời gian lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 5/4/2015…

Ngày 29/1/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 488/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH ngày 25/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 2/1/2015 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và thời gian lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 5/4/2015…
 
Trong hệ thống pháp luật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có Bộ luật Dân sự năm 1995 và sau 10 năm thi hành, ngày 14/6/2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Bộ luật Dân sự 2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, thành tựu của Bộ luật Dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Bộ luật Dân sự năm 2005 sau 8 năm được triển khai thi hành trong cả nước đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, và ngày càng phát huy vị trí, tầm quan trọng cũng như sự tác động lớn của Bộ luật Dân sự tới đời sống của mỗi người dân…
 
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, đặc biệt là yêu cầu về cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, việc tiếp tục phát triển KT-XH và cả phát triển về văn hóa thì các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác chưa được quy định đúng với vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị kinh tế của các loại tài sản trong xã hội, do vậy chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và tin cậy để các chủ sở hữu và những người khác không phải là chủ sở hữu có thể mạnh dạn, yên tâm đưa tài sản của mình vào lưu thông kinh tế, do đó, nhiều tài sản có giá trị kinh tế nhưng không được sử dụng một cách hiệu quả, gây lãng phí cho xã hội. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ cơ bản của Bộ luật Dân sự là tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của các quan hệ thị trường. Trong khi đó, các quy định về giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng còn có nhiều hạn chế như chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. Thêm vào đó, Bộ luật Dân sự chưa thể hiện được vai trò là luật chung và là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ những người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự; chưa có sự đồng bộ trong kết cấu và quy định về nội dung giữa các phần, các chế định… Những hạn chế, bất cập nêu trên của Bộ luật Dân sự có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của pháp luật dân sự nói chung, Bộ luật Dân sự nói riêng và gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế; trong thực hiện, bảo vệ các quyền, nghĩa vụ dân sự của các cá nhân, tổ chức, do đó cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt. 
 
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 8 vừa qua và gồm có 6 phần 26 chương với tổng số 712 điều, trong đó giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều so với Bộ luật hiện hành. Dự thảo có rất nhiều điểm mới quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ. 
 
Với mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo, bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về toàn bộ dự thảo.
 
Về hình thức lấy ý kiến thông qua góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt Trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến tại địa phương mình, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý kiến về dự thảo. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Sau thời gian này, tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến về dự thảo thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/9/2015. Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
BÙI THANH LONG - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh